Chủ trương “kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường” được coi là cách tiếp cận mới trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thay vì những biện pháp quản lý trước đây bằng mệnh lệnh và kiểm soát kém hiệu quả bằng tiếp cận thị trường dựa trên các công cụ kinh tế hiệu quả hơn. Trao đổi với phóng viên Báo CCB Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, một trong những chuyên gia đầu ngành với nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế - quản lý tài nguyên và môi trường, đã cho biết thêm về vấn đề này.
PV: Thưa PGS-TS, hiện trạng những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay là gì?
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh: Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ năm 1986 gọi là “đổi mới” từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với sự chuyển đổi đó, trải qua gần 24 năm đã chứng minh được tính đúng đắn và tính phù hợp của sự vận hành nền kinh tế với xu hướng chung của thế giới theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thế nhưng, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay còn chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn vận hành của nền kinh tế thị trường, chậm đổi mới, các công cụ kinh tế chưa được áp dụng nhiều, đóng góp của ngành cho nguồn thu ngân sách còn rất hạn chế. Chính vì vậy, chủ trương kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường là hoàn thoàn phù hợp với mô hình kinh tế mà Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn.
PV: Theo PGS-TS, cần phải làm gì để đẩy mạnh hơn nữa kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường?
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh: Chúng ta phải lượng hóa được giá trị kinh tế của tài nguyên và môi trường trong bối cảnh của kinh tế thị trường, xây dựng tiêu chí để lượng hóa được tài nguyên thiên nhiên, lượng hóa được giá trị chất lượng môi trường, lượng hóa thiệt hại do ô nhiễm gây ra đối với môi trường do hoạt động kinh tế. Sau khi lượng hóa giá trị tài nguyên, giá trị môi trường và thiệt hại do ô nhiễm thì cần đưa ra biện pháp kinh tế, công cụ kinh tế, những văn bản về quy phạm pháp luật dựa trên các nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi tài nguyên và môi trường phải trả tiền” phù hợp với nguyên lý thị trường. Bên cạnh đó cũng cần kết hợp với những công cụ khác như: giáo dục truyền thông, luật pháp, công cụ kỹ thuật... nhằm bổ sung cho thực thi các công cụ kinh tế.
PV: Quan điểm của PGS-TS về vấn đề kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường?
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh: Thực tế những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, cách tiếp cận này đã chứng tỏ tính hiệu quả, linh hoạt và sự phù hợp với xu thế vận hành của nền kinh tế. Xét về mặt học thuật, lý thuyết kinh tế thị trường đã chỉ ra rằng mọi hoạt động trong nền kinh tế đó đều phải dựa trên quy luật cung - cầu, nếu làm trái quy luật sẽ gây ra những tổn thất cho xã hội về mặt phúc lợi. Việc đưa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào lưu thông trên thị trường phải dựa trên cơ sở phân tích thị trường, nhất là quan hệ cung - cầu và các biến động giá cả nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhà nước cần có sự điều tiết vĩ mô thông qua công cụ kinh tế mạnh như thuế, phí… để có thể cung ứng hàng hoá tài nguyên ra thị trường như đất đai hay khoáng sản vào những thời điểm thích hợp đảm bảo bình ổn thị trường, chống đầu cơ nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước đạt hiệu quả cao nhất. Kích thích phát triển các loại thị trường này theo hướng cạnh tranh lành mạnh.
Chúng ta cần nhận thức rõ bản chất của tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được khai thác và sử dụng hiệu quả, lấy thước đo thị trường để đánh giá, coi bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động kinh tế, có thể hạch toán toàn diện và đầy đủ tài nguyên và môi trường để phát triển bền vững đất nước. Nếu chúng ta chậm đổi mới thể chế quản lý tài nguyên và môi trường, những bức xúc trong xã hội sẽ ngày càng gia tăng; Nhà nước khó kiểm soát.
PV: Xin cảm ơn PGS-TS.
HỒ HƯƠNG* thực hiện*