**Những điểm sáng trong kinh tế nửa đầu năm **

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2009, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều nhất trí nhận định: Trước bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước tăng trưởng âm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đã đánh giá đúng tình hình, xác định mục tiêu trọng tâm là ưu tiên kiềm chế lạm phát sang chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, gắn liền với việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.Với nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta trong 6 tháng qua chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế và đang có chiều hướng tăng dần.

Nếu tăng trưởng kinh tế quý 1 được coi là mức đáy thì quý 2 đã có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên, khi tốc độ tăng của một số chỉ tiêu chủ yếu quý 2 nói riêng và 6 tháng nói chung cao lên. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 đã tăng 8,2%, 6 tháng tăng 4,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp- thuỷ sản 6 tháng tăng 2,6%, đặc biệt sản lượng lúa đông xuân tăng khá (ước đạt 18,6 triệu tấn, tăng 322 nghìn tấn so với đông xuân trước).

Việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương là tác nhân thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 6 tháng qua, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 8,87 tỷ USD. Mặc dù lượng vốn chỉ bằng 22,6% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, việc Việt Nam thu hút được gần 9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài là con số khá cao.

**Vẫn còn những thách thức cần vượt qua **

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng trong những tháng cuối không ít khó khăn cần phải vượt qua. Do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt thấp. Trong những tháng cuối năm 2009, hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu (XK) sẽ gặp những khó khăn không nhỏ. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng XK đã được điều chỉnh từ 13% giảm xuống còn 3%, nhưng nếu không có biện pháp thật quyết liệt thì ngay cả mục tiêu này cũng rất khó đạt được. Điều đáng lo là kim ngạch XK của khá nhiều mặt hàng chủ lực thuộc “câu lạc bộ 1 tỷ USD” của Việt Nam đều giảm 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, sản xuất thu hẹp đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, gây tác động không nhỏ đến thu nhập và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và đời sống xã hội, như việc huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt thấp; tiêu thụ hàng hoá nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, quản lý lao động nước ngoài, hiện tượng tái nghèo, nạn phá rừng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương... còn bất cập.

**Tập trung quyết liệt vào các giải pháp trọng tâm **

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2009 vừa qua đã nhấn mạnh: để đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% và cố gắng tăng hơn 5% trong năm 2009, sáu tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo sát sao, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục tăng trưởng; thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát; thực hiện tốt các chính sách an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cao Thuý