Những thành quả đáng khích lệ

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 5-2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,4% so với tháng 4-2012 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 5 tháng đầu năm 2012, IIP tăng 4,2% so với cùng kỳ. Xem xét diễn biến từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến tốt. Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng IIP và công nghiệp chế biến tăng lần lượt là 3,9% và 2,4%; 6,5% và 8,6%; 7,5% và 9,3%; tháng 5 tăng 6,8% và 8,8%. Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch ước đạt gần 42,86 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với thủy sản, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 ước đạt 2,3 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,51 tỷ USD, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng năm 2012 là 5,32 tỷ USD, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Vấn đề kiềm chế lạm phát đang thực hiện tốt, tuy nhiên, cần có những thực hiện các chính sách một cách linh hoạt, bởi nếu lạm phát giảm xuống rất thấp nhưng gây đình trệ kinh tế thì cần phải tính toán. Xuất khẩu cũng là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu tiếp tục gia tăng trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn khó khăn. Nếu như năm ngoái, vấn đề tỷ giá lúc nào cũng mong manh, nhưng giai đoạn này tỷ giá ổn định, lòng tin vào Việt Nam đồng tăng thêm. Hiện nay, dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể, cán cân tổng thể thể hiện mặt tích cực.

Vẫn tiềm ẩn những nguy cơ

Kinh tế chưa hết khó khăn, mà biểu hiện là việc phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm. Trong quý I, tăng trưởng kinh tế ở mức 4%, sang quý II dự báo 4,5%, nếu như tính bình quân hai quý đầu năm thì vẫn chưa đạt. Điều này cho thấy áp lực giữ tăng trưởng hợp lý cho 6 tháng cuối năm còn lớn. Bởi, nếu GDP không tăng được mức 5% - 6% thì khó có thể đảm bảo mục tiêu việc làm, vì mỗi năm cả nước có 1 triệu người đến tuổi lao động.

Tình hình sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm là khó khăn, với mức tăng chậm nhất so với năm gần đây. Công nghiệp khai thác, dầu, than khí… hầu như không tăng. Tăng trưởng kinh tế có phần quyết định chính từ công nghiệp chế biến, chế tạo khi đóng góp vào GDP tới 34 đến 35% nhưng ngành này trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng thấp do gặp khó ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Xi măng hiện còn tồn đọng tới 6 triệu tấn, vì vậy các biện pháp kích cầu là quan trọng nhất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vẫn đang rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Vấn đề là sức hấp thụ vốn còn yếu, số doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ chiếm 69%. Cầu thu hẹp đã ảnh hưởng sức khỏe tài chính doanh nghiệp, điều này khiến các ngân hàng thương mại e ngại khi rót vốn. Bởi thế, cần thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp, khi đó các ngân hàng sẽ tự tin hơn trong việc giải ngân vốn.

Cần giải pháp tổng thể đồng bộ

Báo cáo về tình hình KTXH mà Chính phủ trình Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, đã dành gần một trang để phân tích những nguyên nhân của lạm phát. Gần như lần đầu tiên vấn đề lạm phát đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm “mổ xẻ”.

Có những ý kiến cho rằng, đây là thời điểm có thể “yên tâm” về lạm phát, cho nên cần “nhường” vị trí ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không thể an tâm khi tăng trưởng kinh tế thấp vì sẽ kéo theo một loạt các vấn đề xã hội. Mặc dù lạm phát 4 tháng qua đang ở mức thấp, song tâm lý xã hội chưa hết “phấp phỏng” lo nó sẽ “tái phát”. Bởi vậy, Quốc hội chờ Chính phủ trình ra “cả gói” giải pháp mạnh cho toàn bộ nền kinh tế cũng như xã hội thì mới có thể vực dậy nền kinh tế; đồng thời tránh được tình trạng gây thêm bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.

Mai Anh