CCB Trần Mạnh Thừa kiểm tra sức khỏe đàn ong.

Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, đôi mắt sáng không ai nghĩ CCB Trần Mạnh Thừa đã ngoài 80 tuổi. Cụ Thừa hiện là Giám đốc HTX nuôi ong Phúc Thuận, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Nói về quá trình nuôi ong, cụ Thừa cho biết: Ban đầu cụ cũng gặp phải không ít khó khăn. Sau đó, nhờ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong trước, cụ dần rút ra kinh nghiệm cho bản thân. “Lúc đầu, tôi chỉ nuôi vài ba thùng, nhưng khi đã có kinh nghiệm hơn, tôi phát triển số lượng đàn ong lớn dần lên đến hàng trăm thùng, số lượng các thùng ong dao động theo từng năm. Hiện tại gia đình tôi có 60 thùng ong để lấy mật, còn lại để sản xuất và bán con giống” - cụ Thừa kể.

Vừa dẫn chúng tôi đi xem quá trình kiểm tra thùng ong, cụ Thừa vừa chia sẻ: Muốn nuôi ong thành công đòi hỏi người nuôi phải có niềm đam mê, phải hiểu rõ đặc tính và kịp thời phát hiện sự thay đổi bất thường của đàn ong...

Với cụ, chỉ cần nghe tiếng đàn ong vỗ cánh cũng có thể biết được thùng ong yếu hay khỏe. Ong thường bị bệnh vào mùa đông, nếu thời tiết ẩm thì bị bệnh thối ấu trùng, hoặc trong quá trình nấu thức ăn cho ong mà để thức ăn loãng quá hoặc không nấu chín ong sẽ bị đi ngoài, ong đói cũng dễ bị bệnh. Tuy nhiên, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì ong rất hiếm khi bị mắc bệnh và tỷ lệ rủi ro gần như không có.

Vào mùa đông khi thời tiết lạnh, cần chú ý giữ ấm cho đàn ong và không để ong tiếp xúc với bên ngoài bằng cách lấy giấy báo ép vào thùng ong. Lúc này thức ăn của ong là phấn hoa trộn với đường nấu chín. Đặc biệt cần lưu ý trong quá trình nuôi ong là phải giữ cho ong chúa khỏe, yếu  thì phải gây và thay thế con mới. Con ong sống phụ thuộc thiên nhiên, nếu hoa không có phấn thì nó không sống được.Vì vậy vào mùa đông phải di chuyển ong đến những vùng có hoa và thời tiết thuận lợi.  

Một kinh nghiệm nữa cho người mới nuôi ong, là phải giữ lại một lượng mật nhất định làm nguồn dự trữ thức ăn cho ong qua mùa đông. Chính nhờ những kinh nghiệm và niềm đam mê với nghề mà mật ong của gia đình CCB Trần Mạnh Thừa luôn vừa đặc, vừa thơm, để lâu năm vẫn không biến chất.

Hà Thanh