Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ quyền chi phối, đầu tư vào các ngành nghề có liên quan đến ngành, nghề chính, ngành nghề khác, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản. Bộ Tài chính tăng cường năng lực cho Cục Tài chính doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện được chức năng này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng giao cho Bộ Tài chính thực hiện tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên; về cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2010.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư, ngành nghề kinh doanh, cơ cấu sản xuất... đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Cùng với đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ Đề án “Đổi mới quản lý tiền lương, tiền thưởng trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước và chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước”.
Trong tháng 7, Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cử người và quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn Phòng Đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký tên doanh nghiệp theo nguyên tắc giữ nguyên tên gọi của các tổng công ty nhà nước theo quyết định của chủ sở hữu. Tính đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định chuyển 21 Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thành công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, mặc dù chịu ảnh hưởng của hậu quả suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch và doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận; tiếp tục bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính không lành mạnh.
Để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tăng cường thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình cải cách, đổi mới, tiến độ sắp xếp DNNN 5 năm (2011-2015), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng tiếp tục duy trì, sắp xếp, đổi mới và phát triển các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh; thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn; bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xử lý một số vướng mắc cấp bách trong quá trình chuyển công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như: Quy định về bổ nhiệm Kiểm soát viên; biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện chuyển thành công ty TNHH một thành viên hoặc cổ phần hóa bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật và thực tiễn.

*(Nguồn: Văn bản số 174/TB-VPCP)
*

Dương Sơn