Nhân dân cả nước rất vui mừng, phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Có thể nói, với quy định này, người dân kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế phòng, chống “tham nhũng quyền lực”, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay. Với Đảng, đây tiếp tục là một văn bản “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” để tìm cách ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn “chạy chức, chạy quyền” đang gây mục ruỗng tổ chức và tha hóa nhân cách cán bộ, đảng viên.
Đảng ta là đảng cầm quyền. Quy luật của tất cả các đảng chính trị trên thế giới cho thấy, người nắm giữ quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền. Điều đó là một thực tế và trong lịch sử chính trị thế giới từ trước đến nay, chưa có một đảng cầm quyền nào tránh được xu hướng này. Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, “là đứa con nòi của dân tộc”, “Đảng không có lợi ích tự thân, Đảng đấu tranh vì lợi ích giai cấp, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân...” nhưng khi cầm quyền thì Đảng cũng không đứng ngoài xu hướng này. Chẳng thế mà năm 1947, chỉ hai năm sau khi trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải dành thời gian viết tác phẩm “Sửa đối lối làm việc” nhằm chấn chỉnh, sửa chữa những khuyết điểm, sai sót của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Cho nên, muốn kiểm soát quyền lực Nhà nước, Đảng phải làm thật tốt việc kiểm soát quyền lực trong Đảng.
Có một đảng viên 50 năm tuổi Đảng tâm sự: “Năm nay tôi 50 năm tuổi Đảng, trọn một đời theo Đảng, ước nguyện của tôi là được một lần cầm lá phiếu để bầu đồng chí Tổng Bí thư có lẽ sẽ không thực hiện được”. Tâm sự ấy phản ánh một vấn đề, dân chủ trực tiếp trong Đảng còn nhiều hạn chế. Tiêu chuẩn kết nạp đảng viên của Đảng ta rất cao, nhưng cơ chế để đảng viên phát huy quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong Đảng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Chừng nào dân chủ trực tiếp chưa được chú trọng thì vấn đề kiểm soát quyền lực trong Đảng còn gặp nhiều khó khăn. Công tác chất vấn trong Đảng hiện còn nhiều bất cập. Điều lệ Đảng ghi rõ đảng viên có quyền chất vấn những công việc của Đảng, nhưng quy chế chất vấn trong Đảng lại đang là rào cản đảng viên thực hiện quy định này. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu vấn đề dân chủ trong Đảng không khắc phục được những hạn chế hiện nay thì vấn đề kiểm soát quyền lực trong Đảng khó có bước tiến rõ rệt.
Một vấn đề khác về dân chủ trong Đảng, đó là cần công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Những người có chức, có quyền muốn “chấm mút” thường không thích điều này. Vì nếu cái gì cũng công khai minh bạch thì còn ai “chạy cửa, nhờ vả” nữa. Trong tất cả các khâu của công tác cán bộ hiện nay đều có hiện tượng “chạy”: Chạy quy hoạch, chạy đi học, chạy luân chuyển; chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm, chạy bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; chạy nhận xét, đánh giá; chạy nâng ngạch, nâng lương; chạy bằng cấp; chạy huân chương...
“Chạy” dường như đã thành thông lệ, thành luật ngầm ai cũng biết nhưng ngại nói ra. Muốn được bố trí, bổ nhiệm vào chỗ này, chỗ kia có nhiều lợi lộc, danh giá, nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí, bổ nhiệm thì “chạy” đã đành, “lệ” này còn làm cho cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cũng phải “chạy” mới yên tâm. Tệ nạn “chạy” đã làm hình thành, nuôi dưỡng một loại cán bộ cơ hội, thăng tiến bằng “chạy” và cũng làm xuất hiện một bộ phận cán bộ không lo làm tốt chức trách nhiệm vụ mà chỉ lo “đầu tư” xây dựng các “quan hệ” để “chạy” khi cần.
Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ có nhiều việc phải làm, như: Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị để tạo công khai, minh bạch cũng như có cơ sở cho giám sát, kiểm tra. Công khai danh sách cán bộ được quy hoạch vào các chức danh để tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân giám sát, đánh giá, xây dựng. Trong bổ nhiệm, bầu cử, giới thiệu bầu cử cần thực hiện chế độ tranh cử, bắt buộc có ít nhất hai ứng cử viên trở lên cho mỗi chức danh. Quy định trách nhiệm của người giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu đúng sẽ có chế độ khen thưởng, và ngược lại giới thiệu, bổ nhiệm sai thì cũng phải có cơ chế xem xét trách nhiệm cụ thể. Việc giới thiệu, tiến cử, bổ nhiệm cán bộ phải bằng văn bản hoặc biên bản. Cải tiến cách bỏ phiếu bầu ở cấp có thẩm quyền quyết định (cấp ủy, tập thể lãnh đạo) cần bắt buộc ký tên để ràng buộc trách nhiệm trước lá phiếu bầu cử...
Đảng ta là Đảng cầm quyền, dân chủ trong Đảng là điều kiện để thực hiện dân chủ trong toàn xã hội. Vì vậy, vấn đề dân chủ trong Đảng cũng chính là then chốt để thực hiện “dân là chủ, dân làm chủ”.
Phạm Bá Đào