Sẽ là quá vội vàng khi nói rằng chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng cả năm dưới 7% nếu chỉ căn cứ vào mức tăng 1,36% của giá tiêu dùng trong tháng mở màn của năm nay và mức tăng 1,96% trong tháng 2 vừa qua đạt kỷ lục trong vòng 20 tháng trở lại đây, tức là bình quân mỗi tháng tăng 1,66% và tổng cộng hai tháng đã tăng 3,35% chỉ trong 1/6 chặng đường của năm nay.
Đây là hiện tượng thường thấy nhất trong khoảng thời gian diễn ra Tết Nguyên đán của mỗi năm. Cụ thể, trong 17 năm qua, chỉ có 4 năm có mức tăng giá bình quân của hai tháng này trên 2%/tháng. Còn một ví dụ: giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm 1999 và 2000 cũng chỉ tăng 1,80%/tháng và 1,00%/tháng, nhưng đây chính là hai trong số ba năm ít ỏi được coi là sốt lạnh của nền kinh tế nước ta với mức tăng cả năm chỉ là 0,10%, thậm chí giảm 0,60%), trong khi mức tăng bình quân trong hai tháng đầu năm 2007 rất gần đây cũng chỉ là 1,61%/tháng, nhưng cả năm lại tăng tới 12,63%.
Có nghĩa là, chỉ trừ một số “biệt lệ”, giá tiêu dùng hai tháng đầu năm có Tết Nguyên đán trong mỗi năm đều tăng cao, cho dù giá cả 10 tháng sau đó là như thế nào. Đó là nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến khiến giá cả cũng tăng đột biến mỗi khi Xuân về, Tết đến.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường ký tháng 2-2010 vừa qua, theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nếu nhìn vào con số thì vấn đề không có gì đột biến. Tính từ năm 2003, lạm phát cả năm là 3%; 2004: 9,5%; 2005: 8,4%; 2006: 6,6%; 2007: 12,6%; 2008: 19,89%; 2009: 6,32%; 2010- hai tháng đầu năm là 3,35%. Do đó, chưa có gì phải quá lo lắng về mức tăng giá của hai tháng đầu năm, cũng như lo ngại lạm phát tăng cao quay trở lại.
Tuy nhiên, tổng mức tăng 3,35% chỉ trong hai tháng đầu năm là bước khởi đầu khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2010 dưới 7%, như Nghị quyết của Quốc hội khó thực hiện. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ về kinh tế - tài chính - tiền tệ để bảo đảm không xảy ra tình trạng lạm phát cao như năm 2008.
Chính phủ hiện đã có chỉ đạo thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp lớn để khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao. Các bộ, ngành đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất điều hòa cung cầu, tài chính tiền tệ, xuất nhập khẩu, kiểm tra kiểm soát thị trường... ngay từ những ngày đầu của năm mới. Thực tế cho thấy, trong năm 2010, để kiềm chế tốt lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, chúng ta cần chú ý hơn đến một số trọng tâm chính sách sau: Thứ nhất, cần đảm bảo yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường có quản lý Nhà nước về giá cả. Thứ hai, linh hoạt và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính -tiền tệ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư. Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường
Đặc biệt, cần quan tâm giải quyết tốt nhu cầu về xây dựng, củng cố và phổ biến rộng rãi nhận thức về các giá trị xã hội chuẩn chung, phát huy mọi nguồn lực, nhất là trí thức, người tài và tinh thần thượng tôn pháp luật nhằm tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi trong nước và quốc tế, kể cả với Việt kiều, tạo thước đo tin cậy trong định hướng, đánh giá các hoạt động kinh tế - xã hội, cũng như nhu cầu về xây dựng các thiết chế đủ hiệu lực bảo vệ, phát huy hiệu quả các nguồn lực và sức mạnh của quốc gia, của các địa phương và doanh nghiệp trong nước và quốc tế cho phát triển bền vững.
Nguy cơ tái lạm phát cao vẫn đang là thách thức, nhưng không phải là "con ngựa bất kham", nếu sử dụng đồng bộ các công cụ điều tiết thị trường, tránh các biện pháp gây ra hiệu ứng "domino", giải tỏa được yếu tố tâm lý, thì tin rằng, nền kinh tế nước ta không thể xảy ra tình trạng phải áp dụng liệu pháp "sốc" như năm 2008.
Mai Anh