Thuở nhỏ, Nguyễn Sinh Sắc là một cậu bé hiền lành, thông minh ham học. Về sau ông tham dự kỳ thi hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Ông kết duyên cùng bà Hoàng Thị Loan-con gái nhà nho Hoàng Xuân Đường, sinh hạ 3 người con, trong đó có Nguyễn Sinh Cung-về sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng và chỉ làm quan được một thời gian ngắn thì bị Triều đình nhà Nguyễn cách chức vì bất đồng chính kiến. Sau khi bị cách chức, ông vào miền Nam sinh sống tại làng Hòa An thuộc tỉnh Đồng Tháp để dạy học, bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ người nghèo và sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời. Để tưởng nhớ công ơn của cụ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã xây dựng khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc để mọi người trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm và thắp nén hương tưởng nhớ cụ. KDT cụ Phó bảng nằm cạnh chùa Hòa Long, ngay trung tâm TP. Cao Lãnh.
KDT cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được kết cấu thành 4 khu vực: Khu vực lăng mộ, đền thờ và nhà trưng bày cuộc đời sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn cây, ao cá; không gian văn hóa mô hình làng Hòa An xưa và khu vực tổ chức hội trò chơi dân gian, giải trí. Với tổng diện tích hơn 9ha, tổng thể KDT là một phức hợp kiến trúc hài hòa, mang đậm dấu ấn sinh thái văn hóa Đồng Tháp, nơi để nhân dân Đồng Tháp và nhân dân cả nước về đây tề tựu nhân ngày lễ hội, ngày giỗ cụ Phó bảng, Tết cổ truyền...
Nét chủ đạo của khu lăng mộ là một màu trắng nổi bật, mang lại cảm giác thư thái nhẹ nhõm cho người đến viếng. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây trái, hoa cảnh quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về tặng để tỏ lòng biết ơn. KDT được xây dựng kỳ công, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vòm mộ quay mặt về hướng đông là một cánh hoa sen cách điệu có dáng hình bàn tay xòe úp xuống, phía trên là 9 con rồng cách điệu đậm nét dân gian, vươn ra thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho nhân dân vùng ĐBSCL. Được ốp đá hoa cương, nấm mộ màu xám tro yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trước khu mộ là hồ sen hình ngôi sao 5 cánh, giữa hồ là đài sen trắng cách điệu sừng sững cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Phó bảng. Công trình hoàn thành năm 1977 và được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1992.
Với không gian thoáng, nhiều công trình tỏ lòng tôn kính với cụ Phó bảng được bố trí độc lập nhưng có sự liên kết, ngập tràn trong sen hồng và những bóng cây cổ thụ theo từng lối đi. Từ đền thờ đến nhà trưng bày về cuộc đời cụ Phó bảng là không gian văn hóa chứng minh cho thấy người dân Đồng Tháp thể hiện được tinh thần đoàn kết dân tộc; trong số người chăm sóc cụ không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, có những người giàu có, từ “ông cả” đến người nông dân nghèo khó vùng Hòa An. Khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn - ao cá, với tỷ lệ xây dựng 1/1, đây là nơi khách tham quan như được tận mắt nhìn thấy không gian làm việc của Bác Hồ lúc sinh thời tại Thủ đô Hà Nội.
KDT còn là nơi để nhân dân Nam Bộ thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ giỗ cụ ngày 28-10 âm lịch hằng năm thường có hơn 100.000 lượt khách tham quan và viếng thăm; họ đến từ khắp các tỉnh, thành, mang đến những sản vật dâng viếng, cúng trước anh linh cụ trong không khí trang nghiêm như một ngày hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Rõ nét nhất là không gian văn hóa làng Hòa An. Đây là không gian văn hóa tái dựng làng Hòa An xưa, với diện tích trên 22.000m2, tái hiện lại không gian tự nhiên con rạch Cái Tôm, vườn cây ăn trái, những hàng dừa, cây cầu khỉ, đường làng quanh co… Một không gian văn hóa làng Hòa An thân quen đầu thế kỷ XX, với những ngôi nhà truyền thống của các hộ dân trong làng; những hình ảnh sinh hoạt văn hóa, giải trí, sản xuất mô tả một phần mưu sinh của làng Hòa An. Bên trong ngôi làng Hòa An, nổi bật và ấn tượng là những ngôi nhà có kiến trúc gỗ cổ truyền thống như: nhà chữ đinh, nhà bát dần, nhà nọc ngựa, nhà sàn. Trong các ngôi nhà này được bày trí với không gian chính, phụ, thể hiện nếp ăn, nếp ở, thờ cúng ông bà tổ tiên mang đậm bản sắc văn hóa và tính cách con người Hòa An xưa. Cùng với không gian nhà ở, một số hình ảnh sinh động về sinh hoạt của những làng nghề tiêu biểu của người dân Hòa An xưa là nghề trồng và sắc thuốc lá, với sản phẩm nổi danh “thuốc rê Cao Lãnh”; làng nghề chằm lá lợp nhà, nghề mộc, nghề rèn và xay lúa, giã gạo từng là niềm tự hào về bàn tay tài hoa đầy sáng tạo của người dân Hòa An.
Trong các ngày lễ lớn, KDT tổ chức các hoạt động phong phú phục vụ khách. Chị Đặng Thị Mai Yên-Phó giám đốc KDT cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cho biết: Dịp lễ, KDT sẽ trưng bày ảnh với chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ. Trong các lễ lớn và ngày giỗ cụ Phó bảng, KDT còn tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động ẩm thực, biểu diễn đờn ca tài tử, chiếu phim tư liệu về cụ Phó bảng... Có thể nói đây là “địa chỉ đỏ” cho các đoàn về nguồn ở các tỉnh phía Nam.
Bài và ảnh: Phương Nghi