Không chỉ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia mà mọi người dân Việt Nam đều nhận rõ những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới qua cuộc sống hằng ngày, qua bộ mặt của các địa phương và cả nước. Song có một số ít người do không biết hoặc cố tình không biết vẫn đưa ra những “nhận định”, những “đánh giá” thiếu khách quan, bôi đen bức tranh chung về thành quả 30 năm (1986-2015) thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Tuy vẫn còn không ít thiếu sót, khuyết điểm, nhưng thành tựu đổi mới đất nước đã được thực tế chứng minh rất sinh động, được nhân dân ta và bạn bè thế giới đều ghi nhận.
Bài 1: Sự thật hiển nhiên về tăng trưởng kinh tế

Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhìn tổng thể, không những nhân dân ta mà cả bạn bè quốc tế cũng đã thừa nhận rằng, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong những thành tựu này, điều dễ nhận thấy nhất và cũng là thành tựu lớn nhất là tăng trưởng kinh tế. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Đời sống của nhân dân ngày một cải thiện. Sự thật này là hiển nhiên, thế nhưng không hiểu vì sao vẫn còn có những thông tin lạc lõng trên mạng xã hội “dự đoán”, “nhận định” rằng, “nền kinh tế Việt Nam sắp sụp đổ”, “kinh tế Việt Nam xám xịt”, “sớm muộn thì Việt Nam cũng sẽ phải rời bỏ con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”...

Trước hết cần phải khẳng định rằng, những “dự đoán”, “nhận định” của một số người nói trên không có gì là mới mẻ vì cách đây 5 năm họ cũng đã đưa ra điều này. Thực tế nền kinh tế của Việt Nam 5 năm qua đã chứng minh hùng hồn rằng những “dự đoán”, “nhận định” của họ là không chính xác. Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê đã khẳng định: “Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, trong đó quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%. Mức tăng trưởng năm 2015 cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét".
Nếu so sánh cả giai đoạn từ năm 1996 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đã đạt khoảng 7%/năm. Đây là tỷ lệ tăng cao bậc nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Việt Nam từ nước có mức thu nhập thấp khoảng 98 USD/người năm 1990 (bằng 1/4 chuẩn nước thu nhập thấp) đã tăng lên 400 USD/người năm 2000 và năm 2010 đã đạt 1.200 USD/người (vượt chuẩn nước thu nhập thấp khoảng 1.000 USD/người) và năm 2015 đã đạt GDP bình quân khoảng 2.200 USD/người...

Không chỉ các báo cáo của Việt Nam mà báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam 30 năm qua trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là thành tựu của mấy năm gần đây. Tờ Financial Times của Anh mới đây nhận định: Mặc cho “màn đêm u ám” bủa vây các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam vẫn là một trường hợp ngoại lệ khi tiếp tục nằm ở “phía bên kia” của bức tranh. Số liệu của bộ phận nghiên cứu Capital Economics cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cùng với Việt Nam, chỉ có 4 quốc gia châu Âu được hưởng lợi tăng trưởng xuất khẩu nhờ giá dầu giảm, bao gồm: Ru-ma-ni, Cộng hòa Séc, Hung-ga-ry và Ba Lan. Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế Ru-ma-ni, Cộng hòa Séc và Hung-ga-ry không có sự tăng trưởng đáng kể nào về tổng sản phẩm (GDP) từ năm 2008-2014 thì kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tới 40% trong suốt giai đoạn...

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế mới nổi trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng khả quan năm 2015, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn ì ạch… Hãng này cho rằng, trong khi tình hình giá cả hàng hóa nhìn chung sụt giảm khiến hàng loạt nền kinh tế mới nổi hàng đầu lâm vào tình cảnh điêu đứng, một số nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ và Việt Nam gây bất ngờ khi đạt tốc độ tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của Bloomberg, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 6 trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.

Theo CNBC, một báo cáo của Moody’s Investors Service cũng nhận định, trong khi các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Bra-xin, Nam Phi đang ở trong tình trạng nguy hiểm, Ấn Độ và Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Báo cáo cho rằng, hai quốc gia này vẫn là điểm sáng nhất trong khu vực và được xem là điểm đến tốt nhất cho các nhà đầu tư. Ngoài Ấn Độ, chuyên gia A-lếch Uôn-phơ (Alex Wolf) của tập đoàn đầu tư Standard Life còn đặt hy vọng vào Việt Nam. Ông A-lếch Uôn-phơ cho biết, Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu thực sự về khả năng phục hồi. Hơn nữa, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đang trên đà gia tăng.

Theo số liệu của FDI Markets-bộ phận nghiên cứu về đầu tư nước ngoài của Financial Times, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mặc cho các thị trường mới nổi khác chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016. Đánh giá chung của ngân hàng này là năm 2015 GDP Việt Nam tăng nhanh nhất trong vòng 8 năm qua, trong khi lạm phát đã tăng chậm lại chỉ còn 0,6%. Các dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm dừng chân.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về “Triển vọng kinh tế toàn cầu” cũng đưa ra bình luận, Hiệp định TPP vừa mới hoàn tất dự kiến cũng sẽ góp phần làm bùng nổ thương mại. Và nếu đưa Việt Nam vào hệ quy chiếu này, Việt Nam đang có những thời cơ rất lớn.

Trong Báo cáo về ngành phát triển ứng dụng di động Việt Nam, Viện Chính sách tiến bộ-PPI (Mỹ) vừa xếp hạng Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về phát triển ứng dụng di động; đánh giá cao tiềm năng và chính sách hỗ trợ công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng di động. PPI cho rằng, ngành phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam đang thu hút gần 29.000 lao động chất lượng cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế tri thức.

Gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện một số bài phân tích về nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) của Việt Nam. Đại đa số các bài viết đều có thiện ý tốt, tiếc rằng cũng có bài đưa các số liệu chưa chính xác và kèm theo đó là các bình luận thiếu căn cứ như: “Việt Nam sắp vỡ nợ”, “nợ công của Việt Nam cao nhất thế giới”… Sự thật không phải là như vậy. Mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Do thu ngân sách khó khăn trong khi nhu cầu chi tăng lớn, để bảo đảm cân đối NSNN, những năm qua đã phải duy trì bội chi NSNN ở mức cao (năm 2011: 4,4% GDP; năm 2012: 5,4% GDP; năm 2013: 6,6% GDP; năm 2014: 5,3% GDP; năm 2015: 5% GDP). Đến ngày 31-12-2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP, trong phạm vi quy định. Tuy nhiên, dư nợ công những năm qua đã tăng, từ năm 2011 đến 2015 tăng thêm khoảng 7% GDP do yêu cầu phải tăng vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Chính phủ đã có báo cáo, phân tích cụ thể những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc bội chi, nợ công tăng".

Như vậy, nợ công của chúng ta đang ở mức mà Quốc hội cho phép và không phải là “cao nhất thế giới”. Để giảm gánh nặng nợ công, giảm bội chi NSNN, Chính phủ dự kiến mức bội chi NSNN bình quân của giai đoạn 2016-2020 tính theo Luật NSNN hiện hành khoảng 4,9% GDP; đồng thời đặt mục tiêu dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Để đạt được định hướng về dư nợ công và bội chi NSNN nêu trên, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển ở mức cao hơn giai đoạn 2011-2015, tạo điều kiện tăng thu NSNN, giảm áp lực chi NSNN về an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ công; điều chỉnh chính sách thu; cơ cấu lại chi ngân sách. Trong đó: Đẩy mạnh huy động các khoản vay trung, dài hạn, triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công; ưu tiên bố trí chi trả nợ. Nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ; rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay về cho vay lại, để giảm thiểu phát sinh các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm đa dạng hóa kỳ hạn phát hành, trong đó tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên…

Với những người dân ở Việt Nam, nếu ai đã từng chứng kiến cuộc sống trước thời điểm Đổi mới đất nước thì đều cảm nhận được sự thay đổi diệu kỳ. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, Việt Nam đã dư thừa lương thực. Cảnh đường làng ngập ngụa bởi bùn đất ngày nào đã không còn nữa bởi hầu hết các con đường làng bây giờ đã được bổ bê tông, được trải nhựa. Chương trình nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tại các đô thị, những khu nhà “ổ chuột” hiện đã không còn nữa, thay vào đó là những khu đô thị hiện đại, khu chung cư cao cấp. Những con đường cao tốc ngày một vươn dài... Nhiều công trình mới to đẹp, hiện đại đã mọc lên ngày càng nhiều, tô điểm cho đất nước.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể và những vấn đề sâu xa trong nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá nhiều những hạn chế, bất ổn. Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận ra vấn đề này và đã "bắt mạch, kê đơn" những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, thực tế đã chứng tỏ hiển nhiên thành tựu đổi mới của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Với những bình luận, nhận định áp đặt chủ quan, thiếu căn cứ và mang nặng tư tưởng thù địch của một số người về thực trạng nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị dư luận và người dân Việt Nam bác bỏ.
Theo QĐND