**TRẦN ĐĂNG KHOA:
**
Chuyện này thì từ các vị đại biểu Quốc hội đang họp cho đến những người dân đều phản đối rầm rầm. Ngay các vị đại biểu Quốc hội cũng đã bác bỏ ngay tại chỗ ý định của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo rồi. Nhưng nhân ông hỏi, tôi vẫn phải nói thêm răng, cái căn bệnh kỳ dị có tên là “Thu giá” này là “lây nhiễm” từ ông Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải. Từ ngữ trong kinh doanh, thuế má đúng là tôi cũng không thạo lắm. Nhưng nghe đích danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giải thích thì “Dự án BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp tự định giá. Còn phí liên quan tới Hội đồng nhân dân (HĐND), Quốc hội quyết định... Tức là, việc điều chỉnh mức thu sẽ linh động hơn. Ngược lại, nếu để “nguyên tên” là thu phí BOT, việc điều chỉnh tăng giảm sẽ diễn ra rất chậm, vì thuộc thẩm quyền của HĐND và nhiều cơ quan khác”.
Trong thực tế, có sự giám sát khá chặt chẽ của HĐND và các cơ quan chức năng mà BOT còn lách qua được, để họ “tự tung tự tác” thì không biết đổi tên họ sẽ còn hoành hành như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích thẳng thừng: “thu giá” thật ra là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của luật phí và lệ phí.
Không ngờ “mẹo” của “anh Giao thông” lại được “anh Giáo dục” vận dụng ngay, đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo". Giá dịch vụ đào tạo nghe mà rợn cả người, vì rất phi giáo dục. Việc đào tạo, giáo dục đã thành chuyện kinh doanh, buôn bán. Rồi cứ cái đà “cải cách” thế này, không khéo các trường sẽ thành chợ. Các thày cô khả kính hoá con buôn. Truyền thống “Tôn sư Trọng đạo” sẽ không còn nữa.
TĐK