Gia đình là một xã hội (hay quốc gia) thu nhỏ. Ở đấy có sự điều hành về lao động, học tập, ứng xử giáo dục đều theo một trật tự, nguyên tắc riêng. Quyền tối thượng ở đây là cha hay mẹ (vợ hoặc chồng), hoặc cả cha lẫn mẹ điều hành đều bình đẳng như nhau.

Một gia đình êm ấm hạnh phúc là gia đình thuận hoà yêu thương. Gia đình không thuận hòa yêu thương là gia đình không hạnh phúc. Do vậy, nam nữ từ khi quen biết, tìm hiểu để đến kết hôn cần tìm được người có tình yêu chân thật, có cùng quan điểm, cùng lý chí, để cùng tiến xa. Vì cuộc sống gia đình luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn, bất ổn khó lường.

Trước đây, mô hình gia đình phát triển theo nhiều thế hệ sống chung trong một mái nhà. Lúc đó, cuộc sống chủ yếu vẫn là trồng trọt và chăn nuôi. Các thành viên trong gia đình luôn có sự giáo dục, giám sát, chỉ bảo lẫn nhau, nên gia đình luôn giải quyết được các mâu thuẫn phát sinh và được gắn kết, tồn tại chủ yếu trong xóm làng. Trật tự gia đình được giữ vững, mặc dù cuộc sống còn gặp muôn vàn khó khăn.

Ngày nay, gia đình phát triển theo mô hình nhỏ. Chủ yếu là vợ chồng và con cái. Con cái sau khi kết hôn thường ra ở riêng. Ở chung với bố mẹ, ông bà thì không nhiều. Mọi người đã ra ngoài làm việc, vượt khỏi luỹ tre làng. Nam nữ bình đẳng về công việc, thu nhập; thậm chí không ít nơi, phụ nữ thu nhập cao hơn nam giới. Do cuộc sống hôn nhân gia đình được nhìn ở góc độ “thoáng” nên cũng phát sinh ra nhiều chuyện phức tạp…

Chồng làm thu nhập cao hơn vợ có thể không sao; nhưng chồng thu nhập thấp hơn vợ thì có thể xảy ra nhiều chuyện. Có không ít sự so bì, chê bai giữa vợ và chồng về thu nhập. Vợ coi khinh chồng ra mặt, cho là kém cỏi, mâu thuẫn sẽ bùng lên từng ngày. Ra ngoài, biết bao lưới tình giăng sẵn là sa vào. Người phụ nữ đã có chồng sẵn sàng đi ngoại tình (đang trở thành trào lưu). Nguy cơ tan nát gia đình đã ở trước mắt. Khi vợ ngoại tình thì chồng cũng phải tìm thú vui ở bên ngoài.

Vì không được giáo dục các hành vi đạo đức, luật pháp có cũng như không (không xử hoặc coi thường, xử nhẹ) đã xảy ra những chuyện tình ái, ghen tuông, dẫn tới án mạng… Trên phim ảnh, trên các trang mạng xã hội và báo chí cũng hay đưa tin như thế này. Nó cũng như là một sự khuyến khích cho việc làm xấu. Rồi bọn xấu ở đây (là bọn cướp biển, đất liền của ta) cũng thường gieo rắc tâm lý xấu, phá nát nếp sống văn hoá tốt đẹp của gia đình người Việt, bằng các hành vi xâm lăng văn hoá, làm tan rã gia đình bằng các chiêu trò tinh vi trên phim ảnh, có sự tiếp tay của những người xấu là người Việt…

Xã hội như thế nào thì nó tác động vào gia đình như thế ấy. Nhiều trẻ em khi lớn lên không còn cha mẹ vì cha mẹ bỏ rơi khi ly hôn. Nhiều đứa trẻ bị vứt bỏ khi mới sinh ra. Nhiều hoàn cảnh bế tắc, nghĩ quẩn đã nhảy cầu tự tử. Đau xót hơn vẫn là sự bất nhân của con người: Con gái giết chết bố chỉ vì bị bố rày la không cho đi chơi; con trai đánh chết mẹ chỉ vì việc này, việc kia. Anh em đâm chém nhau chỉ vì một vài phân đất. Ra đường hơi một tí là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để giải quyết. Nhiều kẻ phải lĩnh án tù bởi các việc chẳng đâu vào đâu. Hàng xóm láng giềng chỉ vì ghen ăn tức ở, dùng súng bắn chết nhau…

Hậu quả là đạo đức bị suy đồi, công lý bị đảo lộn, xã hội rối ren không thể phát triển, gia đình bị phá vỡ …

Ta phải nhận xét thật khách quan cho việc này; đó là pháp luật không nghiêm minh. Không có sự giáo dục đạo đức nhân bản của con người ngay từ nhỏ trong gia đình và nhà trường. Nạn tham nhũng, ăn chặn, ăn bẩn không từ một thứ gì xảy ra ở nhiều bộ, các ngành, địa phương… Bán đất, bán tài nguyên vô tội vạ, tích tụ đất đai cho các nhóm “maphia” phe nhóm. Một phần các hành vi nguy hiểm trên đều có bàn tay xúi giục của ngoại bang. Chúng luôn tìm mọi cách xâm chiếm biển đảo, đất liền, làm cạn kiệt nguồn ngân sách bằng các dự án thua lỗ hàng trăm ngàn tỉ đồng của ta. Luôn tìm cách làm ta suy yếu, ớn hèn để không cần đánh, ta vẫn thua, quên đi lịch sử dân tộc…

Để khắc phục được tình trạng này, không có cách gì hơn là không được để phá nát kết cấu gia đình truyền thống, giáo dục sự nhân bản của con người, không nhồi nhét các tư tưởng lạc hậu, bạo lực giai cấp, với mớ lý luận lỗi thời mà nhân loại đã vứt bỏ. Sống phải có gia đình, có nghĩa, có tình. Không dung tha cái xấu, cái ác. Không để cái xấu như đám cỏ dại cứ ngày càng phát triển. Nâng cao tầm hiểu biết cho mọi người dân về thế giới văn minh, coi trọng quyền con người…

Làm được như vậy là không dễ dàng, tất cả xã hội cần phải chung tay. Hãy học theo các quốc gia tiên tiến… họ có nền pháp luật nghiêm minh. Xã hội càng văn minh, con người càng phải tuân thủ pháp luật; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nguyễn Việt Tiến