Theo Bộ NNPTNT, tính đến ngày 31-12-2014, tổng diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên còn 2,253 triệu héc-ta, giảm 273.000 ha so với năm 2010. Trữ lượng rừng ở Tây Nguyên trong 5 năm qua cũng giảm hơn 57 triệu mét khối. Theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2009-2020, Tây Nguyên sẽ trồng mới 100.000ha cao-su, thế nhưng, chạy theo mục đích kinh tế, các tỉnh trong khu vực lại chuyển đổi rừng một cách ồ ạt để trồng cao-su, đến cuối năm 2015, diện tích cao su toàn vùng đã lên tới 164.000ha. Nhiều diện tích rừng xanh tốt “bỗng nhiên” bị xếp vào diện “rừng nghèo”.
Tại tỉnh Đắc Nông, đến nay có 48 doanh nghiệp, đơn vị được tỉnh giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp thực hiện 49 dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 51.157ha, bao gồm cho thuê đất 40.740ha và giao rừng 9.417,24ha.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát mới đây, các ngành chức năng phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp buông lỏng quản lý dẫn đến rừng tự nhiên bị chặt phá với diện tích lớn, gây tổn thất lớn đến tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái. Điển hình, năm 2006, UBND tỉnh Đắc Nông có quyết định cho Công ty CP chế biến lâm sản và xuất khẩu Thăng Long thuê 516ha đất rừng để thực hiện dự án bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng nguyên liệu tại xã Trường Xuân, huyện Đắc Song. Sau khi thuê đất, Công ty Thăng Long không triển khai thực hiện dự án, xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), để hơn 400 ha rừng bị xóa sổ hoàn toàn. Nguyên nhân lớn nhất khiến diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên giảm mạnh là do một số địa phương, cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm QLBVR, quản lý đất lâm nghiệp, vẫn để tồn tại những tụ điểm phá rừng nghiêm trọng.
Việc xử lý các vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu kiên quyết, phối hợp thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, tiếp tay cho những đối tượng phá rừng. Công tác giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên thực hiện chậm và còn nhiều bất cập…
Theo Bộ NNPTNT, đến nay rừng ở Tây Nguyên vẫn chủ yếu được giao cho các tổ chức quản lý. Cụ thể, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao quản lý, sử dụng là hơn 2,9 triệu héc-ta, trong đó giao cho hộ gia đình, cá nhân QLBVR chỉ là 75.770ha, chiếm 3,1%; giao cho cộng đồng quản lý 29.926ha, chiếm 0,9% và UBND xã quản lý 367.881ha, chiếm 20,7%, còn lại do các tổ chức, đơn vị quản lý...
Tuy nhiên, do công tác giao đất, giao rừng và khoán QLBVR còn hạn chế, bất cập, cho nên diện tích rừng và đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép lên đến hàng chục nghìn héc-ta. Chỉ riêng tại tỉnh Đắc Lắc, đến nay toàn tỉnh đã giao rừng, đất lâm nghiệp với diện tích 37.294,6ha cho 5.273 hộ dân quản lý, bảo vệ. Mới đây, tỉnh Đắc Lắc rà soát trên toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao khoán QLBVR thì phát hiện có đến 10.610ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Trong khi đó, việc trồng rừng ở Tây Nguyên thực hiện chậm. Giai đoạn 2011-2015, các tỉnh Tây Nguyên trồng được 48.543ha rừng, chiếm 4,4% tổng diện tích rừng được trồng trong cả nước trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của các tỉnh Tây Nguyên là 21.879 ha, nhưng tính đến ngày 30-5-2016, chỉ mới trồng được 4.860ha, đạt 22%. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng. Năm 2015, các ngành chức năng của 5 tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 16.034 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương phải đóng ngay cửa rừng tự nhiên, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng…
Các địa phương có rừng trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Tỉnh Đắc Lắc đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để thu hồi gần 51.000ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép, trồng lại rừng, tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư khôi phục, phát triển rừng, phấn đấu đưa độ che phủ từ 38,7% hiện nay lên 40,4% vào năm 2020 và 42,1% vào năm 2030. Tại Đắc Nông, công tác quản lý, bảo vệ và khôi phục, phát triển rừng cũng đang được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Ngoài việc đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong tỉnh đang nỗ lực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Cùng với sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NNPTNT cũng phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng, triển khai Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, với nguồn vốn lên tới 8.927 tỷ đồng nhằm mục tiêu khôi phục và phát triển rừng ở Tây Nguyên đạt 2,71 triệu héc-ta và nâng độ che phủ rừng lên 49,8%...
Rừng Tây Nguyên đang đợi sự chung tay thực hiện của các cấp, các ngành và mỗi người dân để được xanh lại một cách bền vững, là “rừng vàng”, là “lá phổi xanh” của cả nước.
Bài và ảnh: Công Lý - Văn Toàn