Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh cùng cộng đồng quốc tế xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động phối hợp ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm ứng phó với nguy cơ của một đại dịch mới, nguy hiểm ở người mà bắt nguồn từ chủng vi rút cúm A H5N1 ở gia cầm. Giai đoạn đầu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch cúm gia cầm, nhưng cùng với sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có những thành công đáng khích lệ trong công tác phòng chống cúm gia cầm trong 8 năm qua. Đến nay, Việt Nam đã có thể kiểm soát được sự lưu hành của vi rút cúm trên gia cầm và giảm đáng kể số ca lây nhiễm trên người, mặc dù nguy cơ lây nhiễm từ vi rút này vẫn còn rất cao. Vì vậy, hội nghị lần này nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác trong nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở hợp tác toàn diện để cùng chung sức thực hiện chương trình AIPED, đồng thời thảo luận những định hướng, ưu tiên và thách thức chính khi chúng ta cùng nhau tiếp tục những hoạt động ứng phó trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, bà Yuriko Shoji, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại Việt Nam nhấn mạnh: Chương trình AIPED được xây dựng nhằm cung cấp một lộ trình toàn diện, phác thảo những cột mốc quan trọng để duy trì các thành tựu đạt được trong giai đoạn trước; đồng thời tiếp tục quá trình phòng chống cúm gia cầm và những nguy cơ dịch bệnh khác lây từ động vật sang người. Bà Yuriko Shoji cũng khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục ứng phó với những thách thức của cúm gia cầm, cũng như sẵn sàng ứng phó với một đại dịch có thể xảy ra, áp dụng những bài học từ H5N1, H1N1 và cách tiếp cận “Một sức khỏe” cho những dịch bệnh truyền nhiễm nguy cơ cao khác trong mối tương quan giữa động vật, con người và môi trường. Bà Yuriko Shoji nhấn mạnh: FAO cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình AIPED.
Chương trình AIPED giai đoạn 2011 – 2015 sẽ tập trung vào các nội dung: tăng cường năng lực giám sát và đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm; nâng cao năng lực chẩn đoán phòng thí nghiệm; củng cố năng lực điều trị và dự phòng; nâng cao nhận thức, truyền thông để thay đổi hành vi của người dân… nhằm khống chế tận gốc và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện, tái xuất hiện của dịch bệnh; phát hiện và ứng phó kịp thời, nhanh chóng với các ca bệnh mới trên người và vật nuôi cũng như tăng cường công tác chuẩn bị về y tế đối với bất cứ đại dịch nào xuất hiện trên người./.
Theo TTXVN
A Hoàng