Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có hàng loạt chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp-nông thôn, nhưng khu vực nông thôn vẫn là khu vực chịu nhiều thiệt thòi cả về mặt kinh tế và xã hội, khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa khu vực nông nghiệp và khu vực phi nông nghiệp có xu hướng gia tăng.

Với vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và xã hội, địa bàn nông thôn cần được coi là điểm tựa giúp đất nước vượt qua khó khăn. Đó là địa bàn sản xuất và cung cấp loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu bậc nhất cho mỗi người, là nơi có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là địa bàn người dân có sức chịu đựng cao và có khả năng cao trong việc thích ứng với các biến động của thời cuộc…

Trong tình hình suy giảm kinh tế hiện nay, nông dân đang có cơ hội tham gia thúc đẩy nền kinh tế khi Chính phủ sẽ triển khai một chương trình hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa dành riêng cho lực lượng chiếm đến trên 70% dân số này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì soạn thảo chương trình với những nội dung chưa có tiền lệ như nông dân có thể vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua sắm vật tư nông nghiệp, hay thậm chí là hàng tiêu dùng như: ti vi, xe máy...

Chọn địa bàn nông thôn và nông dân để triển khai chương trình kích thích sản xuất và tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay chắc chắn đạt được nhiều mục tiêu. Năm 2009 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 26 của BCH TƯ Đảng về tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) với chỉ định tập trung đầu tư lớn cho khu vực này, phấn đấu để 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Việc nông dân được vay ưu đãi để phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng sống sẽ đem lại một "luồng gió mới" thổi vào tam nông, vốn đầy rẫy khó khăn. Nguồn vốn ưu đãi đó còn tiếp thêm sức mạnh cho chương trình xóa đói giảm nghèo mà Chính phủ đang triển khai ở 61 huyện nghèo nhất cả nước cũng như những khu vực nông thôn khác. Mặt khác, thị trường nông thôn trước đây bị coi là "bỏ ngỏ", giờ đây đang ngày càng được coi trọng, sẽ có sức nặng và sức hút lớn hơn nếu được "cộng hưởng" thêm chương trình kích thích kinh tế lần này. Sự cộng hưởng đó có thể tạo nên sức bật mới không chỉ cho nông thôn mà cả nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân, ngoài việc trợ giúp về giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tiêu thụ sản phẩm, còn phải trợ giúp họ nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Đây là điểm mà các chương trình khuyến nông lâu nay ít chú ý. Trong các nội dung kích thích đầu tư, cần phải coi trọng đầu tư phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, từ thủy lợi, giao thông, mạng lưới điện nông thôn, hệ thống trạm trại kỹ thuật, đến cơ sở vật chất của các trường học ở nông thôn. Các nội dung kích thích đầu tư này không chỉ hướng đến giải quyết các yêu cầu trước mắt, mà phải gắn với yêu cầu chiến lược về đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Ngoài ra còn nhiều vấn đề vừa mang tính cơ bản, vừa mang tính thời sự liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn cần được giải quyết như vấn đề tích tụ ruộng đất... NQ T.Ư 7 cũng đã nêu toàn diện các vấn đề với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vấn đề bây giờ là cụ thể hóa và triển khai các chủ trương ấy trong cuộc sống.

Ý Thu