Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu.

Thay mặt hơn 3 triệu hội viên toàn quốc, 255  CCB chúng tôi, thuộc các tỉnh, thành và Khối 487 trong cả nước vừa được Thường trực Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức về nguồn thành kính dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, tại Chiến trường Điện Biên Phủ và tham quan, học tập truyền thống - không chỉ qua các địa danh lịch sử, hiện vật trong bảo tàng, mà còn “thực mục sở thị” những người đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” từ 70 năm trước.

Các đại biểu dự buổi giao lưu.

Nhất là Chương trình Giao lưu truyền thống, tối ngày 19-3,  vơi chủ đề “Tự hào Điện Biên Phủ”. Đúng như chỉ đạo của Thượng tướng Bế Xuân Trường- Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, phát biểu khai mạc, nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...  

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư (thứ 3 phải sang) trong đêm Giao lưu. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Tuy là chương trình  “cây nhà lá vườn” do Ban Tuyên giáo, Cơ quan Trung ương Hội CCB Việt Nam xây dựng và thực hiện, nhưng nội dung thì lại thật phong phú, ăm ắp những sự kiện lịch sử; ăm ắp tình “quân dân cá nước” đưa chúng tôi về  những ngày hào hùng của dân tộc.

Thật  bất ngơ. Khi mà các “chiến sĩ Điện Biên” hầu hết đã ngoài 90 tuổi, lại ở rải rác trên khắp cả nước. Và đương nhiên, không phải ai cũng lên sân khấu tham gia giao lưu được. Thế mà, “ê kíp” của Chương trình đã làm thỏa mãn không chỉ những khán giả “lính cựu, đầu hai thứ tóc” chúng tôi, mà cả các thầy, cô giáo, thanh niên, sinh viên trường Cao đẳng nghề; trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên rưng rưng cảm động...

Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Ngay nhân chứng lịch sử đầu tiên được mời lên sân khấu giao lưu - CCB Bùi Kim Điều, sinh năm 1930, lại cũng chính là chiến sĩ Liên lạc viên, thuộc Đại đội 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Ông có vinh dự được trực tiếp truyền lệnh đến Chính ủy Trung đoàn trong trận đánh mở màn tiêu diệt cứ điểm - “cánh cửa thép”  Him Lam, vào hồi  17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954.

Giọng không còn tròn tiếng, nhưng vẫn nhớ từng chi tiết, ông kể về khoảnh khắc chạy như tên bắn trong đêm tối ngày 13-3 truyền khẩu lệnh cấp trên đến Chính ủy Trung đoàn... Điều mà ông nhớ nhất là trên đường  truyền lệnh, ông bị mảnh pháo của địch găm vào đầu gối, mặc dù máu chảy đầm đìa mà lúc đó ông không hề thấy đau đơn gì. Vẫn chạy như bay. Chỉ đến khi truyền lệnh xong ông mới ngất đi trong vòng tay đồng đội...

Ông vén quần chỉ vết thương còn hằn sẹo theo gợi ý của người dẫn chương trình. Hội trường lặng đi đến vài khắc, rôi vang lên tiếng vỗ tay không ngớt, tỏ lòng cảm kích tinh thần gan dạ của ông.

Ông xúc động nói từ sâu thẳm lòng mình: “Chính lúc tôi bị thương, tôi được chứng kiến có không biết bao nhiêu đồng đội của tôi hy sinh, hầu hết chưa kịp ăn tối và thiếu nước uống! Như Tiểu đội phó Phan Đình Giót,  thuộc lực lượng xung kích của Tiểu đoàn 428 xung phong vào cứ điểm, bị địch trong lô cốt bắn cản dữ dội. Giót trườn lên dùng tiểu liên, lựu đạn diệt hoả điểm địch. Đạn hết, hoả điểm thứ ba vẫn chưa bị diệt...”  Qua chớp lửa của đạn pháo ông và đồng đội nhìn rõ mồn một Phan Đình Giót lao cả thân mình bịt lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam ngay trong đêm 13. Hành động anh hùng của Phan Đình Giót như phép thần, vừa làm rụng rời tinh thần quân địch, vừa tiếp sức cho bộ đội ta xốc tới tiêu diệt quân thù... Cả hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay...

Các đại biểu giao lưu tại chương trình.

Còn chuyện của CCB Nguyễn Thế Viên, 95 tuổi quê ở xã Hậu Thành (nay là xã Hùng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Do sức khỏe, ông lỗi hẹn không về tham gia giao lưu được, nhưng vẫn đã kịp kể câu chuyện “tình quân dân” thật xúc động cho người dẫn chương trình - Đại tá Tô Quang Hanh, Chuyên viên Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội CCB Việt Nam.

Đại tá Tô Quang Hanh kể lại, cũng khiến cả hội trường của đêm giao lưu lặng đi: Ngày 17-3-1954, trinh sát địch phát hiện ra trận địa pháo của ta ở Bản Keo. Chúng gọi máy bay thả xuống một qủa  hỏa mù. Ông Viên vội  nằm úp mặt xuống. Lúc ngẩng lên ông thấy một chị phụ nữ đang nhanh thoăn thắt, lấy khăn gói quả hòa mù lại, rồi ôm chạy ra khỏi trận địa chừng 100 mét, ném xuống sườn vực. Lập tức 4 máy bay B26 của địch kéo đến dội bom theo làn khói của quả hỏa mù...  Cũng từ ấy, ông Viên và cả đơn vị cũng không thấy người phụ nữ đâu! Sau này mới được nhân dân Bản Keo cho biết, chị là Y Pờ Lan, dân tộc Thái. Hằng ngày chị vẫn đi đến các trận địa để tiếp tế giúp bộ đội. Hôm đó chị Lan không nhanh trí, dũng cảm vất quả hỏa mù ra khỏi trận địa thì chắc chắn ông và đơn vị đã bị trúng bom địch!

Nghe chuyện ông Viên, tôi lại nhớ hình ảnh chiếc xe hiệu "Lanh côn" do Pháp sản xuất của ông dân công Ma Văn Thắng, quê Phú Thọ, trong đoạn phim phóng sự của Bảo tàng quân sự Quân khu 2, mở đầu Chương trình Giao lưu. Chiếc xe đó là một trong số gần 21.000 chiếc, của “Đội quân xe đạp thồ” cả nước, trong chiến dịch Điện Biên Phủ - là biểu tượng của sự sáng tạo, sức mạnh của Chiến tranh Nhân dân,  khiến cả thể giới kinh ngạc.

Không chỉ những câu chuyện chiến đấu ngoài trận mạc, buổi giao lưu còn được nghe CCB Lường Văn Lún, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, kể về niềm vinh dự 2 lần được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trở lại thăm Mường Phăng, năm 1994 và 2004. Lần nào đón Đại tướng Điện Biên cũng ngờm ngợp lòng dân. Đại tướng yêu dân. Dân yêu Đại tướng. Dân nhớ lời Đại tướng căn dặn:  “Đồng bào tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng say lao động để nhà nhà ấm no hơn, bản làng đẹp hơn. Người dân giữ gìn thật tốt cánh rừng Mường Phăng, khu di tích để thế hệ trẻ luôn ghi nhớ về lịch sử, tự hào dân tộc...”

Nhớ lời Đại tướng căn dặn ông Lún đã gương mẫu, đi đầu vận động nhân dân bảo vệ rừng và Di tích Lịch sử Mường Phăng - nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Lúc bác Giáp bắt tay tạm biệt mọi người, ai cũng khóc, nhiều người chạy đến ôm lấy Đại tướng như muốn được gần Đại tướng lâu hơn nữa...” -  CCB Lường Văn Lún kể.

Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Khép lại Chương trình là tốp giao lưu, gồm Thiếu tướng Lưu Trọng Lư -  Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên; Đại tá Trương Dũng Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Cà Mau và Cô giáo Lê Thúy Hòa - Bí thư Đoàn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên.

Nghe cô giáo Hòa kể, tôi mới biết, hình thức sáng tạo Giáo dục truyền thống “Ông kể cháu nghe” từ Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã được nhân rộng về Điện Biên, rất thành công.  Cô giáo Lê Thúy Hòa nói đại ý: Không chỉ là địa danh lịch sử có một không hai, mà Điện Biên còn kết tụ rất nhiều điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Những câu chuyện thần kỳ. Những con người thần kỳ. Những hiện vật thần kỳ, đang ngày ngày tỏa sáng nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm đồng bào - nhất là thế hệ trẻ Điện Biên...  

Còn Thiếu tướng Lưu Trọng Lư - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điên Biên, sinh ra  ở Hưng Yên, nhưng lại có tới hơn 38 năm công tác - Ông đã và đang gắn bó với đồng bào Điện Biên. Trả lời câu hỏi về cảm nghĩ của bản thân trong những năm tháng ông có vinh dự được công tác ở mảnh đất lịch sử này.

Ông nói: “Bài học về “lòng dân” trong Nghệ thuật Quân sự Việt Nam nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã giúp Bộ CHQS và Hội CCB tỉnh vận dụng làm theo; phối hợp  tham mưu có hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên ngăn chặn rất hiệu quả vụ gây rối mất trật tự an ninh chính trị ở Mường Nhé, tháng 5-2011. Cách làm là tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào nhận ra âm mưu của  các thế lực thù địch và số người Mông lưu vong… đã  lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, tuyên truyền tư tưởng ly khai tự trị trong đồng bào các dân tộc.

Cách làm đó vừa không gây ra đổ máu đáng tiếc, vừa giúp nhân dân hiểu ra sự thật để không bị chúng lơi dụng...”.

Huy Thiêm