
Dây chuyền sản xuất xe tăng của tập đoàn quốc phòng và công nghiệp hàng đầu Rheinmetall của Đức.
Trong bước đi được coi là mang tính lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định thông qua kế hoạch tái vũ trang đầy tham vọng nhằm giúp châu Âu mạnh hơn, sẵn sàng đối phó với “tình huống xấu nhất”.
Với mức chi kỷ lục 800 tỷ Euro (hơn 866 tỷ USD) từ nay đến năm 2030, trong đó 162 tỷ USD sẽ được huy động trực tiếp từ thị trường vốn, châu Âu hướng đến mục tiêu củng cố sức mạnh của các nước thành viên cũng như toàn bộ châu lục, bảo đảm châu Âu có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa bên ngoài.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, châu Âu tiến hành cuộc tái vũ trang quy mô lớn như vậy. Nhìn bề ngoài, bước đi của EU là sự phản ứng trước những thách thức an ninh nổi lên ở châu lục, mà đỉnh điểm là sự bùng nổ của cuộc xung đột lớn nhất và tàn khốc nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở Ukraine, cùng cuộc đối đầu lên tới đỉnh điểm giữa châu Âu và Nga. Tuy nhiên, thực chất đây là giải pháp tình thế trong bối cảnh Washington ngoảnh mặt với châu Âu trong vấn đề an ninh.
Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, an ninh châu Âu phụ thuộc vào mối quan hệ với người đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương thông qua khối quân sự NATO. Không chỉ là thành viên chủ chốt trong liên minh, có chi tiêu quốc phòng cao hơn tất cả thành viên NATO khác cộng lại, Mỹ còn có khả năng răn đe hạt nhân. Hiện Mỹ triển khai hơn 100 quả bom hạt nhân tại châu Âu theo thỏa thuận “chia sẻ hạt nhân” trong NATO.
Nhưng sự trở lại nắm quyền của ông Donald Trump đã thay đổi tất cả. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, ông Trump đang định hình lại quan hệ với châu Âu trên cơ sở lợi ích là quan trọng nhất chứ không phải cam kết đồng minh. Trong con mắt của ông Trump, châu Âu phải tự bảo vệ mình và tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Ông Trump cho rằng từ nay Mỹ sẽ không bảo vệ châu Âu vô điều kiện mà phải có đi có lại.
Không những thế, chính quyền của ông Trump được cho là đang xem xét kế hoạch cải tổ sâu rộng trong cấu trúc chỉ huy quân sự Mỹ, với việc nước này từ bỏ vai trò là Tổng tư lệnh tối cao đồng minh NATO tại châu Âu (SACEUR). Đây là vị trí mà Mỹ đã nắm giữ trong suốt hơn 70 năm kể từ khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower đặt nền móng vào năm 1951.
Đến khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Nga - Vladimir Putin mà không hề báo trước hay tham vấn với Brussels thì châu Âu mới tỉnh ngộ ra rằng “thời sát cánh đồng minh” chỉ còn là quá khứ. Chưa hết, Washington còn phớt lờ yêu cầu của châu Âu được tham gia cuộc đàm phán về tương lai Ukraine. Đặc phái viên Mỹ về Ukraine - Keith Kellogg tuyên bố thẳng: Các nước châu Âu sẽ không được tham gia đàm phán về Ukraine.
Những thay đổi với quy mô chưa từng thấy trong trật tự quốc tế kể từ năm 1945 với sự suy giảm vị thế của châu Âu đang diễn ra. Đây là cú sốc lớn khiến châu Âu tỉnh ngộ. Ông Nico Lange - cựu quan chức quốc phòng Đức, cảnh báo: “Câu hỏi quan trọng đối với mọi người là chúng ta có thể tin tưởng vào Mỹ nữa hay không? Vấn đề này đã bắt đầu được nhìn nhận nghiêm túc. Sau 10 năm cảnh tỉnh, hồi chuông tiếp theo cho người châu Âu có thể là còi báo động không kích”.
Với kế hoạch tái vũ trang quy mô lịch sử, châu Âu muốn khỏa lấp thực tế phũ phàng bị Mỹ bỏ rơi trong vấn đề an ninh. Động thái trước hết là tăng chi tiêu quốc phòng. Kể từ năm 2021, chi tiêu quốc phòng của 27 nước thành viên EU đã tăng hơn 31%, đạt 326 tỷ Euro (355 tỷ USD) vào năm 2024. Để tạo bước ngoặt về tiềm lực, EU sẽ huy động 800 tỷ Euro từ nay đến năm 2030 để “đưa quốc phòng châu Âu vào quỹ đạo”. Khoản đầu tư khổng lồ này sẽ tập trung vào 7 lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là lá chắn phòng không và tên lửa tích hợp, nhiều lớp; tên lửa tầm xa; máy bay không người lái; trí tuệ nhân tạo (AI) quân sự và máy tính lượng tử…
Tham vọng lớn nhưng hiện thực hóa kế hoạch này không phải dễ dàng, trước hết là thách thức rất lớn từ thực tế kinh tế èo ọt của khu vực và sự phản ứng của người dân. Việc chuyển hướng ngân sách từ các lĩnh vực dân sinh sang quốc phòng, đặc biệt ở những nước vốn không bị áp lực trực tiếp từ cuộc xung đột Nga - Ukraine như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Italy, là điều không dễ dàng. Các lãnh đạo châu Âu sẽ phải thuyết phục người dân của họ rằng tái vũ trang là điều cần thiết cho an ninh và chủ quyền quốc gia, mặc dù điều này có thể đồng nghĩa với việc giảm ngân sách ở các lĩnh vực khác.
Việc tái vũ trang quy mô lớn còn dẫn đến thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực, làm bùng nổ chạy đua vũ trang. Nga đã lên tiếng phản đối, cho rằng những động thái như vậy thường có nguy cơ dẫn đến xung đột và kế hoạch tái vũ trang của châu Âu hiện nay đang tạo ra nguy cơ đó.
Tiến Thành