Trong báo cáo ngày 19/9, NASA dẫn kết quả phân tích các dữ liệu truyền về từ tàu Curiosity cho thấy mật độ khí methane trong khí quyển sao Hỏa chỉ vào khoảng 1,3 ppb(đơn vị đo mật độ khí hiếm trong khí quyển).

Phát hiện này thấp hơn nhiều so với dự đoán đưa ra hồi tháng 3/2003, trong đó nói rằng hành tinh Đỏ có thể có khoảng 19.000 tấn khí methane, một loại khí gas được sinh ra từ quá trình sinh học.

Phát hiện này cũng đồng nghĩa với việc NASA gần như phải loại bỏ giả thuyết về sự tồn tại sự sống trên sao Hỏa và dự đoán đưa ra trước đó có thể là do nhầm lẫn trong việc giải mã các hình ảnh quan sát được từ kính viễn vọng đặt trên Trái đất.

Một tác giả của công trình nghiên cứu, chuyên gia Sushil Atreya thuộc Đại học Michigan, cho biết do chưa có giải thích khoa học nào về sự biến mất đột ngột của một lượng lớn khí methane trong khí quyền nên phát hiện của Curiosity có thể đi tới khẳng định rằng suy đoán trước đó về sự tồn tại một lượng lớn khí methane trên sao Hỏa là sai lệch.

Tuy nhiên, chuyên gia đứng đầu chương trình thám hiểm sao Hỏa của NASA Michael Meyer cho rằng sự đổ vỡ của giả thuyết khí methane không đồng nghĩa với việc không còn khả năng tìm thấy sự sống trên hành tinh Đỏ. Thay vào đó, phát hiện mới sẽ giúp định hướng tốt hơn cho nghiên cứu khoa học vũ trụ trong tương lai.

Tàu Curiosity đáp xuống sao Hỏa vào tháng 8/2012. Trước đó, tàu này đã tìm được nhiều dấu hiệu cho thấy trên hành tinh này từng tồn tại nước và môi trường hỗ trợ cho đời sống vi sinh. Hiện tại, Curiosity đang trên đường chinh phục hành trình dài 8km tới địa điểm thám hiểm chính trên sao Hỏa là núi Sharp.

NASA cho biết việc nghiên cứu ngọn núi này là một trong những nhiệm vụ chính trong sứ mệnh kéo dài 2 năm của tàu Curiosity và có thể giúp xác định thời điểm sao Hỏa tồn tại sự sống./.