Nhà báo Trần Mai Ninh.
(Báo tháng 6) - Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh. Ông sinh năm 1917 Ngay từ thời còn đi học, Trần Mai Ninh đã cùng một số bạn bè ra tờ báo có tên “Con sáo” để phê phán nền giáo dục thực dân và nói lên lý tưởng của tuổi trẻ học đường.
Sau đó ông tiếp tục viết bài và trực tiếp tham gia biên tập các tờ báo của Đảng xuất bản trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), như: "Bạn dân", "Thời thế" (1937), "Tin tức", "Thế giới", "Người mới" (1938) và "Bạn đường", "Tự do" ở Thanh Hóa... với các bút danh: KT, Mạc Đỗ, Trần Mai Ninh, Hồng Diện, Nguyễn Thường Khanh. Trần Mai Ninh tham gia phong trào yêu nước Mặt trận Dân chủ (1936-1939) . Khi Mặt trận Dân chủ bị chính quyền thuộc địa đàn áp, Trần Mai Ninh về quê Thanh Hóa hoạt động ở chiến khu Ngọc Trạo. Ông bị nhà cầm quyền bắt giam nhưng đã vượt ngục và tham gia giành chính quyền ở Nam Trung bộ. Sau đó Trần Mai Ninh tham gia kháng chiến và ông lại bị chính quyền thực dân bắt và qua đời trong tù năm 1947.
Trong bài thơ “Tình sông núi”, Trần Mai Ninh khẳng định tình yêu Tổ quốc là tình yêu lớn nhất của con người. Đây là tư tưởng lớn mang hơi thở thời cuộc, ông viết: “… Dân tộc mồ hôi thấm đất/ Bắp căng như đồng/ Tay ghì cán cuốc…/ Khi căm non nước với người đứng lên!/ Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền/ Có mối tình nào hơn thế nữa?/ Trộn hòa lao động với giang sơn/ Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?”.
Với đất nước lúc bấy giờ còn họa xâm lăng, nhà báo, nhà thơ chiến sĩ không thể dùng thể thơ lục bát, hay thể thơ nào khác ngoài thể thơ tự do để bộc lộ hết những khát vọng chiến đấu với quân thù, để trả món nợ non sông và những nỗi buồn khi lòng khát khao giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân thoát vòng nô lệ, trong bài thơ “Tôi buồn” có đoạn ông viết: “…Tôi đã nghiến răng và xé mạnh/ Mảnh tàn tự ái hãy còn vương/ Sụp xuống đất bùn, sâu xuống nữa/ Quỳ tròn gối gãy bởi đau thương!”.
Trong bài thơ “Nhớ máu” ông viết khi vào chiến đấu trong chiến trường Nha Trang, Khánh Hòa.
Lần đầu tiên thơ trữ tình cách mạng Việt Nam xuất hiện một giọng thơ rực lửa, hừng hực khí thế tấn công, coi thường vũ khí tối tân và đội quân tinh nhuệ của kẻ thù. Những người nông dân quần nâu, áo vải, tay cầm dao, gươm, sát mặt quân thù không hề run sợ mà còn thể hiện bản lĩnh phi thường, tinh thần quả cảm: “Ơi hỡi Nha Trang/ Cái đô thành vĩ đại/ câu thơ hay/ vang động lạ thường.” Và: “Mắt ta căng lên/ Cả mặt/ Cả người/ Cả hồn ta sát tới...”.
Ngôn ngữ thơ với những nhịp diệu mạnh, hùng dũng, quyết liệt, mô tả sự dấn thân tuyệt đối vì nghĩa cả, vì tình yêu Tổ quốc và vì hòa bình độc lập cho dân tộc được những nhịp thơ mang chất roock thể hiện trọn vẹn tinh thần quyết liệt sống còn cho cuộc chiến. “Nhớ máu” là một trong những bài thơ mang tính chiến đấu ra đời sớm nhất của văn đàn nước ta cùng với “Đèo cả” của Hữu Loan. Nhà thơ Trần Mai Ninh đã đem các tác phẩm thơ nhịp bước cùng toàn dân tộc, bước vào cuộc chiến tranh thần thánh với một tâm hồn cao cả mang khát vọng lớn lao làm cuộc cách mạng dời sông lấp bể: “Những con người/ Đã bước vào bất tử/ Ơ, những người/ Đen như mực, đặc thành keo.../ Hay những người gầy sắt lại/ Mặt rẹt một đường gươm/ Lạnh gáy".
Trần Mai Ninh là một nhà báo, nhà thơ cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà làm báo, sáng tác thơ, và thơ cách mạng của ông là văn bản rọi chiếu, phản ảnh ý chí, tâm hồn của ông đối với lý tưởng cách mạng của một thanh niên thời đại, một trái tim tráng sĩ mang bầu máu nhiệt huyết tuổi trẻ, nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc khi vận mệnh giang sơn ngàn cân treo sợi tóc.
Mỗi một hồng cầu chảy trong huyết quản ông đều chứa một chữ « tận » dâng tất cả vì lòng tự tôn dân tộc, vì thương dân mất nước, vì căm hờn kẻ xâm lăng, vì muốn xả thân cho quê hương được độc lập trên tình thần cách mạng cao cả.
Viên Lan Anh