Đã mấy năm nay, “lò thiêu tham nhũng” mà Đảng ta nhóm lên đã bừng cháy, nhiều vụ đại án đã được đưa ra xử lý, làm nức lòng quần chúng nhân dân.
Nhưng cũng còn xì xào đâu đó trong dư luận, rằng vẫn còn có những “con hổ tham nhũng” đã lọt lưới, “hạ cánh an toàn”, về hưu rồi lại dương dương tự đắc dạy dỗ thiên hạ. Ở chỗ công khai, họ “lên lớp” thế hệ trẻ về lý tưởng, về đạo lý khiến những người hiểu chuyện thì thào: “Gian tà ngồi bán rao công lý”. Ở những nhóm nhỏ vốn từng một thời liên kết “lợi ích nhóm” với nhau thì họ hí hửng vì những chiêu trò tham ô, móc ngoặc của họ đã qua mặt được các cơ quan kiểm tra, thanh tra. Có người còn “tổng kết” rằng, sở dĩ đường quan lộ của mình hanh thông từ ngày đầu cho đến ngày “cáo lão điền viên” là nhờ đã biết dùng “khẩu dụ”.
“Khẩu dụ” là từ cũ, trước đây trong thời phong kiến, nhiều mệnh lệnh của nhà vua truyền xuống khồng dùng văn bản mà trực tiếp truyền miệng, hoặc gián tiếp sai các văn thần, võ tướng truyền đạt đến người có trách nhiệm thi hành. Ngày nay, “khẩu dụ” là lối chỉ đạo lươn lẹo, lách luật nhằm che giấu hành vi của người lãnh đạo.
Cách sử dụng “khẩu dụ” cũng có nhiều biến tướng. Có người không trực tiếp phê chuẩn, phê duyệt vào góc trái phía trên của trang thứ nhất văn bản mà dùng tờ giấy nhỏ đính kèm hai chữ “đồng ý”. Phổ biến nhất thì giao cơ quan tham mưu soạn văn bản thông báo ý kiến của người có thẩm quyền rằng: “Thủ trưởng đồng ý về chủ trương của tờ trình, đề nghị cơ quan (đơn vị) tiến hành đúng các quy trình, quy định của pháp luật”. Thậm chí, có trường hợp, thủ trưởng phê duyệt bằng miệng bên hành lang hội nghị, rằng cứ “như thế, như thế” mà làm... Cấp dưới vì cả nể hoặc vì “lợi ích nhóm” mà sẵn sàng làm liều với hy vọng cấp trên sẽ bao bọc, che chở cho mình nếu pháp luật “sờ gáy”. Nhưng khi những sự vụ tiêu cực bị phanh phui, thủ trưởng “quất ngựa truy phong”, đổ hết trách nhiệm cho cấp dưới, không chịu nhận tội lỗi, khuyết điểm của mình. Nước mắt của nhiều “cấp dưới” đã rơi ở nhiều phiên tòa, xót xa vì đã quá tin vào “khẩu dụ” của cấp trên.
Nhưng có những điều, người dân dù không thấy nhưng vẫn biết. Có những vị quan dù “hạ cánh an toàn” nhờ dùng khẩu dụ, lại cẩn thận che giấu của cải, tài sản do tham ô, nhận hối lộ mà có nên cứ ung dung tưởng rằng không ai biết về tội lỗi của mình. Nhưng họ đã nhầm, “vải màn sao che được mắt... nhân dân”. Tài sản của họ có thể sang tên cho con cái, họ hàng, thậm chí gửi sang ngân hàng ở nước ngoài, có thể gây khó dễ cho cơ quan điều tra, nhưng rốt cục, “nếu có điều gì bạn muốn giữ bí mật thì tốt nhất đừng làm”.
Đó là chưa kể, khi đồng tiền bất minh chi phối thì lời nói, việc làm của họ và người thân khó mà công khai, tường minh được. Họ có thể che giấu hành vi rất giỏi nhưng con cháu họ có thể sẽ không che giấu nổi. Mới đây, con cái một số đại gia, quan lớn vô tình khoe khoang tài sản và lối sống xa xỉ trên mạng xã hội, bị dư luận và báo chí vạch mặt, đã cho thấy điều đó. Và nếu như con cháu họ cũng giỏi che giấu, thì vẫn còn có những cán bộ, công chức, đảng viên... từng cùng công tác với họ sẽ kể lại, tả lại những điều “mắt thấy, tai nghe” để người đường thời và thời sau được biết. Từ cổ chí kim, chỉ có những vị quan thanh liêm được hậu duệ thanh minh, làm sáng tỏ oan khuất chứ chưa có vị quan tham nào “được” hậu duệ bao biện.
“Hổ chết để da. Người chết để tiếng”. Câu thành ngữ này đã đúc kết kinh nghiệm dân gian về lẽ sống ở đời. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Những vị quan tham dù có lọt lưới pháp luật thì cũng không thể nào qua được mắt nhân gian. Vì thế, những ai đắc chí bởi đã dùng thủ đoạn “khẩu dụ” thành công, chắc cũng chẳng thể nào có được cái tâm thanh tịnh, bình yên. Đó là chưa kể, họ sẽ còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ có ngày dò tìm ra những dấu vết “khẩu dụ” của họ. Chắc chắn rằng, đến lúc đó, con cháu họ có đổ tiền, đổ của ra mua cho họ một “tiếng thơm” chắc cũng khó lắm thay!
Nguyễn Hồng