Văn bản nêu rõ, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP được thực thi là căn cứ quan trọng để thực hiện quản lý kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; bước đầu hình thành môi trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, minh bạch hơn; Quỹ Bình ổn giá đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu ổn định giá xăng dầu và tạo lập tần suất điều chỉnh giá phù hợp với yêu cầu thực tế của quản lý giá cả, thị trường. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế trong nước và thế giới thời gian qua diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới tăng cao và biến động bất thường với biên độ lớn trong thời gian ngắn, mặt khác để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ nên một số nội dung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP chưa thể tổ chức triển khai thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện; một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế; công tác quản lý chất lượng, đo lường xăng dầu, chống đầu cơ, găm hàng đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra... Để hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm hài hoà lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, Bộ Tài chính cần căn cứ diễn biến tình hình thị trường, giá cả trong nước và thế giới để chủ động điều hoà linh hoạt, kịp thời các mức thuế, phí theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành về Quỹ Bình ổn giá; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, cải tiến phương thức trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, kịp thời và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp. Điều chỉnh quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, hoa hồng đại lý theo thẩm quyền cho phù hợp thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và đúng quy định của pháp luật. Cũng theo văn bản, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về giá trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét cụ thể tình hình, nguyên nhân lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, trong đó cần phân tích rõ tính cạnh tranh, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; cơ chế giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu... Trên cơ sở thực tiễn vận hành đầy đủ các quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và kết quả đánh giá trên, Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần nghiên cứu việc xây dựng Quy hoạch thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu và công bằng, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về dự trữ lưu thông xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia trong kinh doanh xăng dầu, bảo đảm chặt chẽ trong quản lý và phù hợp thực tế; đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Công thương khẩn trương ban hành quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu trong từng khâu của hệ thống phân phối xăng dầu. Gia Bảo(TH)
Bài liên quan
Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030
19 Th11, 2024 - 21:51
Sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang có người gác
07 Th11, 2024 - 14:30
MB ra mắt dịch vụ dành cho người nước ngoài trên App MBBank
09 Th10, 2024 - 11:11
MB được vinh danh là “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” năm 2024
06 Th10, 2024 - 11:04
MB được vinh danh ‘Doanh nghiệp xuất sắc châu Á’ năm 2024
05 Th10, 2024 - 10:09