ADB là tổ chức tài chính đa quốc gia, được thành lập năm 1966 với 31 thành viên, có trụ sở chính tại Manila (Philippines). Hiện ADB có 67 nước hội viên, trong đó có Việt Nam. Thay mặt Chính phủ nước chủ nhà Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu trong phiên khai mạc.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Hội nghị Thường niên lần thứ 44 của ADB, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh đến vai trò của châu Á trong việc giúp phục hồi kinh tế và là động lực tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên châu Á vẫn đang đối phó với nhiều thách thức như lạm phát cao, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, cũng như biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên Khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ chia sẻ và cảm thông sâu sắc đối với chính phủ và nhân dân Nhật Bản trước những mất mát to lớn do thảm họa động đất và sóng thần vừa qua. Thủ tướng cho rằng, Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế châu Á đang phục hồi, tuy nhiên cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Thủ tướng cho rằng, các quốc gia cần tiếp tục khuôn khổ phát triển mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Đảm bảo tiếng nói và lợi ích của các nước nghèo và đang phát triển. ADB cần đóng vai trò chủ động và tích cực trong hội nhập và giảm nghèo, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng trưởng toàn cầu.
Việt Nam khẳng định ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực các hoạt động của ADB để hướng đến một mục tiêu châu Á không đói nghèo. Tập trung vào phát triển bền vững và cân bằng. Phát triển năng lượng sạch. Ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, phát triển khu vực tư nhân, chuyển đối mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của mình. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ sử dụng hiệu quả nguồn lực này cho các mục tiêu ưu tiên.
Cao Thúy