Mới đây trên website của VTV, ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc VTV cho biết đến ngày 21/2, VTV mới được Canal Plus, đơn vị chiếm 49% cổ phần trong Công ty cổ phần truyền hình số vệ tinh VSTV, thông báo về việc đã mua được gói bản quyền Ngoại hạng Anh EPL. Theo ông Lương, Canal Plus cũng chưa thông báo chi tiết cho VTV về mức giá đàm phán để sở hữu bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thành Lương, với việc sở hữu 49% cổ phần VSTV thì có thể hiểu Canal Plus sẽ chuyển giao gói bản quyền EPL cho VSTV trong thời gian tới đây. VTV cũng đã yêu cầu Canal Plus sớm có thông tin chi tiết về gói bản quyền EPL đã mua để VTV có cơ sở làm việc tiếp với Hiệp hội truyền hình trả tiền cũng như các đơn vị có nhu cầu mua gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh 2013-2016.
**Thông tin từ VTV chưa khẳng định quyền sở hữu EPL ở Việt Nam của Canal Plus cũng như K+. **Trong buổi họp của các đài với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam vào chiều qua, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Lê Đình Cường cũng cho biết: “Hiện tại chưa có đơn vị nào sở hữu bản quyền EPL ở Việt Nam và các Đài truyền hình Việt Nam vẫn có thể đàm phán với IMG về hợp đồng”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc mập mờ thông tin trong chuyện bản quyền EPL như một chiêu PR của K+. Các đài truyền hình khác ngoài VTV tỏ ra hoài nghi về thông tin Canal Plus hay K+ sở hữu EPL ở Việt Nam. “Hiện tại mọi thứ đều không rõ ràng và chúng tôi chưa có thông tin gì về việc một đài nào đã mua bản quyền EPL ở Việt Nam”, đại diện một đài truyền hình cho biết.
Việc mua EPL của Canal Plus giúp K+ ở thế cầm đằng chuôi, đẩy các đài truyền hình khác ở Việt Nam và thế bị động. Trước đây, IMG chỉ có thể trao đổi về hợp đồng với VTV - đơn vị đại diện cho các đài Việt Nam và hoàn toàn có thể bị ép giá. Tuy nhiên, sau động thái mập mờ của K+, IMG bỗng dưng nắm lợi thế, bởi xem như họ đã có một lựa chọn khác: Bán lại quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở Việt Nam cho Canal Plus để sau đó đơn vị này nhượng lại cho K+. Tuy nhiên, đây không phải là phương án tối ưu cho IMG vì họ có thể bị đối tác Pháp ép giá.
Không tỏ ra nóng vội, đại diện các đài truyền hình Việt Nam tỏ rõ sự tin tưởng vào VTV - đơn vị nhận trách nhiệm đứng ra đàm phán. Ông Trần Đăng Tuấn - Tổng giám đốc AVG, cho biết: “Cá nhân tôi đặt niềm tin vào ban lãnh đạo của VTV. Tôi tin tưởng ban lãnh đạo VTV có đủ tỉnh táo, sáng suốt để ra các quyết định đúng đắn nhằm giữ sự ổn định và phát triển của ngành truyền hình trả tiền Việt Nam”. Ông Vũ Quang Huy - Phó giám đốc đài VTC cũng khẳng định: “Tôi từng có thời gian làm việc ở VTV và luôn tin tưởng vào cách làm việc minh bạch của các lãnh đạo ở đây”.
Đây có lẽ là sức ép khá lớn cho VTV - đơn vị đứng ở giữa trong thương vụ mua EPL lần này. Trong cuộc họp chiều qua với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam vào chiều qua, VTV đưa ra đề nghị xin rút lui khỏi vai trò đứng đầu liên minh đàm phán mua EPL ở Việt Nam. Phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương cho biết muốn nhường trách nhiệm này cho Hiệp hội để có sự khách quan.
Động thái của VTV cho thấy họ đang dọn đường cho K+ và sẽ không quá ngạc nhiên khi trong thời gian tới, một vài gói độc quyền bản quyền EPL ở Việt Nam sẽ thuộc sở hữu của K+.
Năm 2010, khi mới ra đời, K+ gây sốc với tuyên bố độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở Việt Nam ngày chủ nhật trong 3 năm 2010-2013. Việc một mình bỏ số tiền lớn để mua bản quyền rồi đưa ra mức giá bán đầu thu và phí thuê bao cao ngất ngưởng khiến K+ gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận và bị người hâm mộ bóng đá Việt Nam tẩy chay. Sai lầm trong chiến lược quảng bá 3 năm trước có thể là bài học kinh nghiệm cho họ trong lần này. K+ giữ sự im lặng đồng thời nhường sự xuất hiện cho đối tác Canal Plus. Có thể trong ít ngày tới, K+ sẽ thông tin về việc nắm trong tay một hay nhiều gói độc quyền bản quyền EPL nhưng họ đang cố gắng tránh gây sốc nhất cho dư luận, cho người hâm mộ, điều họ từng làm cách đây 3 năm.
Trong gần 3 năm phát triển vừa qua, VSTV - đơn vị sở hữu K+, liên tục chịu lỗ. Trong hai năm 2010 và 2011, con số lỗ đều trên 400 tỷ đồng. Dù vậy, đây là điều liên doanh này xác định trước khi và đổi lại, K+ phát triển được hơn 400.000 thuê bao. Thực tế cho thấy, độc quyền phát sóng EPL ngày chủ nhật là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của K+ trong hơn hai năm qua, hút các khách hàng mua đầu và trả phí thuê bao cho họ. Vì thế, “tiếp tục phải độc quyền EPL trong 3 năm tới” như một mệnh lệnh trong chiến lược kinh doanh của liên minh này.
Khi bỏ số tiền lớn ra để sở hữu bản quyền EPL, để cân đối thu chi, giá bán đầu thu và mức phí thuê bao của K+ sẽ phải tăng lên tương ứng. Hậu quả tất nhiên do người xem hứng chịu. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam mất đi cơ hội xem bóng đá Anh với mức giá hợp lý, trong khi những người đã mua đầu K+ phải trả thêm nhiều tiền chỉ để phục vụ mục tiêu độc quyền của K+.
Theo Vnexpress
(TH)