Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong năm tiêu chí, có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy các giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Bên cạnh đó, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc; thế nhưng, hiếm có nơi nào mà nhân dân các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài, đều xem mình có chung Quốc Tổ, chung một cội rễ như ở Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt Nam ta ở trong nước và cả ở nước ngoài đã lập tới 1.417 di tích thờ các Vua Hùng; vợ con, tướng lĩnh thời các Vua Hùng; tổ chức giỗ Tổ hằng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ðây thật sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Ðồng thời là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Năm Quý Tỵ - 2013 là năm lẻ, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của tám tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ðác Lắc, Bình Ðịnh, Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời diễn ra trong bảy ngày, từ ngày 4 đến 10 tháng ba Âm lịch (tức ngày 13 đến ngày 19-4) với nhiều nét mới. Trong đó, phần Lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể mang tính cộng đồng, gắn với các hoạt động tôn vinh di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội đất Tổ Hùng Vương" và khai mạc Lễ hội Ðền Hùng năm Quý Tỵ - 2013 có sự tham gia của 24 nước trong Ủy ban Liên Chính phủ thực hiện Công ước 2003 của UNESCO và một số nước có nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam. Chương trình được tổ chức vào tối 4 tháng 3 Âm lịch (tức ngày 13-4) và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV 1 - Ðài Truyền hình Việt Nam và Ðài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ. Bên cạnh đó là Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch.

Phần Hội cũng sẽ có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc nhưng vẫn bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với quy mô rộng khắp, từ thành phố Việt Trì cho đến Trung tâm lễ hội Ðền Hùng và các vùng phụ cận, gắn với tôn vinh di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" như: rước kiệu của các xã vùng ven; hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các địa phương trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ; Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần thứ ba; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng"; tổ chức các hoạt động thể thao: Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2013; Giải quần vợt Hữu nghị Hùng Vương; Hội thi bơi chải trên sông Lô; cờ tướng, vật dân tộc và bắn nỏ...

Ðể Lễ hội Ðền Hùng năm 2013 là một lễ hội mẫu mực trong tổ chức và được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành liên quan hoàn thành mặt bằng Quảng trường Hùng Vương và cấp điện khu vực này bảo đảm cho tổ chức các hoạt động quan trọng của lễ hội; tăng cường an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội cũng như đẩy mạnh công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền trực quan; chú trọng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền; tổ chức phân luồng giao thông từ xa, kiên quyết không để ùn tắc; tổ chức việc trông giữ xe theo đúng quy định; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, xử lý các đối tượng vi phạm...

Chương trình giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm Quý Tỵ - 2013 với hoạt động phong phú, đa sắc mầu được tổ chức vào dịp đầu tháng 3 hằng năm là một hoạt động quan trọng tiếp nối các hoạt động lễ hội du lịch văn hóa truyền thống trên đất Tổ Hùng Vương trong năm 2013; là sự hưởng ứng và cụ thể hóa Chương trình phát triển du lịch quốc gia và Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng. Ðồng thời là bước quan trọng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Chương trình để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa khi về với đất Tổ Hùng Vương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và lòng mến khách.

Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn nêu cao truyền thống đoàn kết và thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tiếp tục đóng góp sức người, sức của nhiều hơn nữa để bảo vệ, tôn tạo, xây dựng Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ðền Hùng ngày càng khang trang, to đẹp hơn, xứng đáng là điểm đến của đồng bào cả nước trong hành trình tâm linh về với cội nguồn tiên tổ. Ðây là dịp thực hành và trao truyền "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để xứng đáng "Từ Ðền Hùng nhìn ra cả nước và từ cả nước hướng về Ðền Hùng", cùng nhân dân cả nước nguyện mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Theo Nhandan

(TH)