Từ nghìn đời nay, nhân dân ta đã lập đền, thờ cúng ông Tổ chung là các vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, miếu, đền, thờ các vua Hùng, vợ, con cũng như nhiều tướng lĩnh thời các vua Hùng. Tỉnh Phú Thọ có 326 di tích; tỉnh Hà Tây (cũ) có 364 di tích; Thủ đô Hà Nội có 161 di tích; tỉnh Bắc Ninh có 168 di tích…

Ngày 10-3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ của dân tộc. Núi Nghĩa Lĩnh và khu di tích lịch sử Đền Hùng ở TP Việt Trì là tâm điểm của tục thờ, cúng Hùng Vương. Hàng nhiều triệu đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài hướng về Đền Hùng, dâng nén tâm nhang, tưởng nhớ Tiên Tổ.

Năm Nhâm Thìn - 2012, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì; có 4 tỉnh, thành phố là: Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực để trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Thông qua tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, quảng bá về Di sản “Hát xoan Phú Thọ” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại.

Mục đích yêu cầu này cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, sau khi được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban xây dựng hồ sơ “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương” đã tổ chức nhiều hội nghị với Ban chỉ đạo, các chuyên gia của Hội đồng Di sản quốc gia và các nhà khoa học, nhằm thông qua đề cương chi tiết của hồ sơ. Đến nay, Ban xây dựng hồ sơ đã tổ chức 5 hội nghị, tiến hành hai đợt kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương, theo hướng dẫn của UNESCO, tại 226 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 13 huyện, thành, thị; sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đảm bảo hồ sơ gửi UNESCO theo đúng tiến độ thời gian.

Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay còn có mục đích xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng TP Việt Trì trở thành trung tâm văn hóa - lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Chương trình có nhiều nét mới. Phần lễ có 5 hoạt động: Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng; lễ Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; lễ dâng lễ vật của các tỉnh góp giỗ. Đặc biệt lễ rước kiệu của 6 xã: Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Tiên Kiên và phường Vân Phú (TP Việt Trì) về khu di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 8-3 âm lịch, có sự tham gia của các đoàn ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc, nhằm tuyên truyền cho công tác hoàn thiện hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Riêng các hoạt động phần Hội năm nay rất phong phú, đa sắc màu, gồm 23 hoạt động gắn với Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2012 của 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; vinh danh Di sản “Hát xoan Phú Thọ” cùng một số hoạt động khác trong thời gian diễn ra lễ hội: Hát xoan tại khu di tích lịch sử Đền Hùng và ở các phường xoan gốc; triển lãm ảnh “Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời gian Hùng Vương ở Việt Nam”; hội chợ Hùng Vương, đêm thơ, nhạc về cội nguồn…

Để bảo đảm cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được diễn ra thành kính, trang trọng, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, phục vụ tốt nhất cho đồng bào hành hương về Đền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ đã thành lập ban tổ chức, xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết cho từng hoạt động của phần Lễ cũng như phần Hội. Các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhằm xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; phòng chống cháy nổ; bảo vệ an ninh trật tự; sắp xếp hợp lý các khu vực kinh doanh, dịch vụ; xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo, “chặt chém” giá cả với khách tham quan, dự lễ.

Thời gian tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 5 đến 10-3 âm lịch, tức từ ngày 26-3 đến 31-3-2012 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì và các xã, phường quanh vùng.

Với tinh thần tích cực, chủ động của tỉnh Phú Thọ, chương trình “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm

Nhâm Thìn - 2012” sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách xa gần cả nước khi về với đất Tổ linh thiêng, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và giàu lòng mến khách.

Chi Phan