Ba số báo (1426, 1427, 1428), từ ngày 9 đến 23-3 trên Báo CCB Việt Nam đã dành chuyên mục “Chống âm mưu diễn biến hoà bình” chỉ ra những hạn chế về nhận thức, cũng như tư cách yếu kém của “anh hùng bàn phím” Doãn Như Lân (sinh năm 1961, ở ngõ 378, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, T.P Hà Nội).

Để rộng đường dư luận, số 1429, Báo CCB Việt Nam làm rõ thêm câu hỏi: Ai cướp công của cựu chiến binh? - Điều mà Lân vu khống Hội CCB Việt Nam. Đây cũng là nội dung mà CCB, cựu quân nhân cả nước đã, đang phản đối Doãn Như Lân, yêu cầu anh ta phải trả lời, phải xin lỗi Hội CCB Việt Nam.

Trước hết, chúng tôi phải nói để Doãn Như Lân hiểu rằng: CCB nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung đã góp phần cùng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, thực hiện chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!  

Còn nếu gọi là công, thì công đó không bao giờ CCB và Quân đội được “vỗ ngực” nhận là công của mình. Vì đánh giặc là nhiệm vụ và là một trong ba chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Đội quân vinh dự được nhân dân gọi là Bộ đội Cụ Hồ.

Cũng nói để Lân hình dung, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Lân còn bé không biết, chứ những ngày ấy đất nước trong chiến tranh là cả dân tộc lên đường, với tinh thần “ai có gươm thì dùng gươm, ai có súng thì dùng súng. Không có gươm, không có súng thì dùng gậy gộc, giáo mác…”, để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc; thống nhất đất nước.

Thế hệ trẻ chúng tôi hừng hực khí thế, rất tự hào được “gác bút nghiên” ra trận. Đúng là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, như lời thơ của cố nhà thơ chiến trường Phạm Tiến Duật.

Như thế có thể hiểu, những ai làm tổn hại đến cuộc sống thanh bình của chúng ta hôm nay, ít hay nhiều đều là “kẻ cướp công” - công ấy không chỉ của thế hệ Hồ Chí Minh, mà được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử văn hoá dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ví dụ như trên trang facebook cá nhân của Doãn Như Lân chẳng hạn - có vô số nội dung đã và đang cướp công của CCB nói riêng, dân tộc ta nói chung. Điển hình như Lân nói: “Lãnh đạo Hội CCB Việt Nam, các người được bầu lên để lĩnh lương, để hưởng thụ… sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, thử lên tiếng đi, xem có mất chức không?”(!)    

Nhân đây tôi phải nói để Doãn Như Lân biết một chút về ông Chủ tịch Hội CCB Việt Nam hiện nay - người đại diện cho các thế hệ CCB cả nước. Ông quê ở Quảng Ngãi, gia nhập Quân đội từ năm 16 tuổi, cầm quân đánh giặc hết phía Nam, ra phía Bắc, rồi sang giúp nước bạn ở Lào và Campuchia…  

Trong đời binh nghiệp, ông đã “vào sống ra chết” trên nhiều chiến trường, nhiều lần bị thương, với tỷ lệ thương tật 61% và được Nhà nước phong tặng

Danh hiệu  Anh hùng LLVTND; ông nguyên là Uỷ viên T.Ư Đảng Khoá VIII, IX, X; nguyên Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5…

Ông được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhiều người kính trọng gọi là “Vị tướng nhân hậu của những vị tướng nhân hậu”. Hôm nghe Doãn Như Lân “nổ” trên mạng, vốn kiệm lời, ông không nói gì, nhưng buồn (nếu không nói là quá bất bình) và tỏ rõ lo lắng về một số người thuộc thế hệ sau thiếu hiểu biết, ngộ nhận, thiếu lễ độ như Lân đang bị mặt trái của mạng xã hội “dẫn dắt”…

Ông cũng là một trong những cán bộ cấp cao, đặc biệt nghiêm khắc đấu tranh, phòng ngừa từ xa thói “kể công” của những người có tư tưởng dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo, đòi hỏi đãi ngộ quá đáng.  

Điển hình như mấy năm trước, một sĩ quan quân đội về hưu, có biểu hiện  “vỗ ngực”, ông đã phê bình thẳng thắn trong Đại hội Thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” lần thứ VI (giai đoạn 2014-2019) Hội CCB T.P Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 15-10-2019, để làm bài học rút kinh nghiệm, phòng ngừa từ xa trong CCB.  

Ông nói: “Những phát biểu vô tổ chức! Họ không phải là hội viên Hội CCB Việt Nam. Vì là hội viên, được đứng trong tổ chức, họ sẽ không có những phát ngôn, luận điệu đi ngược với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước… Đừng vỗ ngực, công thần, muốn nói sao thì nói…”.

Khép lại bài viết này, tôi cũng chân thành khuyên Lân đừng “dấn” vào bàn những vấn đề của lịch sử. Vì đó là lĩnh vực khó, đòi hỏi mình phải có vốn kiến thức rất sâu, rất rộng;

Hơn nữa, đừng đánh lừa chính mình, bảo là “dư luận viên”. Thế ngượng!

Huy Thiêm