Cuộc họp chi hội CCB thôn đã kết thúc nhưng các CCB vẫn chưa về nhà mà còn ngồi lại bàn tán xoay quanh câu chuyện tinh gọn bộ máy Nhà nước.
Ai cũng đồng tình với việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sáp nhập xã, tỉnh để tạo không gian phát triển, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Việc sắp xếp này còn nhằm tới mục tiêu giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Thế nhưng nhiều CCB vẫn băn khoăn về công tác cán bộ sau sáp nhập. Thực tế thời gian qua, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, dù rất đúng quy trình, hay còn gọi là hợp pháp nhưng vẫn có những trường hợp chưa hợp lý. Có cán bộ đươc đào tạo chuyên ngành văn hóa lại đi phụ trách kinh tế. Có cán bộ học kinh tế lại đi làm tuyên giáo. Người học nông nghiệp được bố trí làm xây dựng...
Từ chuyện bố trí cán bộ hợp pháp nhưng không hợp lý, một số CCB lại đưa ra những ví dụ rất hợp lý mà lại không hợp pháp. Có CCB kể: “Tôi đi họp Ngành Nông nghiệp trên huyện nửa ngày, nhận tiền “bồi dưỡng” 50.000 đồng là hợp lý, nhưng Ban tổ chức lại yêu cầu tôi ký 2 tờ giấy, mỗi tờ nhận “tiêu chuẩn” một cuộc họp là 25.000 bởi theo quy định mỗi buổi họp chỉ được “bồi dưỡng” 25.000 đồng thôi. Như thế là không hợp pháp”.
“Theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cấp xã phải tốt nghiệp đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị trung cấp. Tôi xin hỏi các vị rằng, chục năm trở về trước, có phải tất cả các sĩ quan Quân đội đều có trình độ đại học và trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên đâu? Về với đời thường rồi thì mấy ai được đi học. Vì thế, tiêu chuẩn này là hợp pháp nhưng lại chưa hợp lý” - một CCB nêu ý kiến.
Một CCB nhớ lại mấy năm trước, trước diễn biến bất thường của dịch cúm gia cầm, địa phương đã ban hành văn bản về việc cấm nuôi, vận chuyển, chế biến gia cầm. Việc cấm này thời điểm đó là hợp lý để phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ban hành văn bản vào thời điểm đó cũng là hợp pháp. Thế nhưng khi dịch cúm gia cầm đã hết mà các văn bản này vẫn chưa hết hiệu lực. Người chăn nuôi rơi vào tình thế khó lựa chọn bởi nuôi gia cầm là hợp lý nhưng lại không hợp pháp.
Các CCB phân tích: Cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý. Nếu pháp luật không cho phép làm điều đó thì người dân buộc lòng phải tìm cách lách luật hoặc trốn tránh việc tuân thủ. Tính hợp pháp là biểu hiện của nguyên tắc pháp chế. Trong khi tính hợp lý lại thể hiện tính khả thi và hiệu quả cao nhất về kinh tế - chính trị - xã hội.
Sức sống và khả năng tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào tính hợp lý của nó. Sẽ là lý tưởng nếu văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đáp ứng tốt các yêu cầu về tính hợp pháp và tính hợp lý. Để bảo đảm được yêu cầu này thì phải đưa tính hợp lý vào hợp pháp, hay nói cách khác là phải hợp pháp hóa những vấn đề hợp lý. Nếu văn bản hợp pháp mà phát hiện có tính chưa hợp lý thì phải nhanh chóng sửa đổi.
Đỗ Phú Thọ