Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko (bên trái) và Tổng thống Nga - Vladimir Putin tại cuộc hội đàm tháng 9-2021.

Trước những đe dọa an ninh mới cũng những biến động của đời sống kinh tế, chính trị, Nga và Belarus đã hiện thực hóa một mô hình liên minh mới nhằm bảo vệ lợi ích của hai quốc gia láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống. Sự gắn kết ngày càng chặt chẽ và thực chất giữa Nga và Belarus trong bối cảnh hiện nay trở thành một tấm khiên vững chắc trước những bước “Đông tiến” mạnh mẽ của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như những đòn trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây nhằm vào Nga và Belarus.

Trong cuộc họp ngày 4-11 tại Moscow của Hội đồng Nhà nước tối cao, Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko đã ký sắc lệnh hợp nhất Nhà nước Liên minh. Mô hình có một không hai trong quan hệ quốc tế hiện nay. Theo đó, hai Tổng thống đã thông qua 28 chương trình của Nhà nước Liên minh đạt được hồi tháng 9, cũng như các phương hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh giai đoạn 2021-2023. Trong các cuộc đàm phán tại Điện Kremlin đầu tháng 9, hai ông Putin và Lukashenko đã nhất trí về 28 chương trình trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh. Chúng nhằm thống nhất luật pháp của Nga và Belarus trong các lĩnh vực kinh tế, ngành và giao thông vận tải. Hai nước có ý định chuyển sang chính sách công nghiệp thống nhất, tiếp cận chung đối với mua sắm nhà nước và các đơn đặt hàng của Chính phủ, cũng như tạo ra một thị trường khí đốt thống nhất.

Cũng trong tháng 9, tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, lãnh đạo của hai Chính phủ cho rằng các hành động phá hoại của một số quốc gia và cấu trúc phương Tây trái với luật pháp quốc tế đã ngăn cản sự phát triển tích cực của Nhà nước Liên minh, cũng như việc củng cố các nền kinh tế hai quốc gia và giải quyết các nhiệm vụ xã hội quan trọng cho công dân của Nga và Belarus. Hai bên nhất trí về các hành động chung trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế bất hợp pháp được áp dụng đối với Nga và Belarus.

Nhà nước Liên minh là mô hình độc đáo với thế giới nhưng không mới đối với Nga và Belarus bởi thực tế hai nước đã xây dựng các điều khoản cơ bản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh từ tháng 12-1999. Tuy nhiên, khi đó hiệp ước này mới chỉ nhằm tăng cường sự hội nhập của Nga và Belarus, cụ thể là về lĩnh vực kinh tế. Lần này, Hiệp ước Liên minh Nga và Belarus gắn chặt với nhau hơn, không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn cả về mặt quân sự. Theo đó, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko đã thông qua học thuyết quân sự của Nhà nước Liên minh và khái niệm chính sách di trú của hai nước. Học thuyết quân sự mới sẽ tăng mức độ gắn kết chính sách quốc phòng và điều chỉnh kịp thời các nhiệm vụ của bộ quốc phòng hai nước, có tính đến những thay đổi tình hình quân sự và chính trị trong khu vực. Trong khi đó, khái niệm về chính sách di trú của Nhà nước Liên minh sẽ xác định hướng hoạt động của các bộ nội vụ, cơ quan an ninh, biên phòng, cơ quan ngoại vụ trong lĩnh vực di trú, có tính đến những thực tế mới của dòng di cư đang gia tăng.

Như vậy, thay vì mô hình phòng thủ chung và đóng góp chung trong NATO, quan hệ mới giữa Nga và Belarus vượt trên khái niệm đồng minh khi không chỉ các lợi ích chung được gắn chặt mà hai bên có không gian để thảo luận về hợp tác, phát triển trước các mối đe dọa chung từ phương Tây.

Quan hệ không suôn sẻ của phương Tây với Nga và Belarus trong những năm qua càng như tiếp thêm động lực để Nga và Belarus đẩy mạnh hợp tác toàn diện. Sự hỗ trợ kịp thời của Nga đã giúp Belarus đứng vững trước các đe dọa của một cuộc cách mạng màu và suy thoái kinh tế. Trong khi đó, với lòng tin được khẳng định qua năm tháng, Belarus lại là một tiền đồn vững chắc để Nga liên thủ cùng bảo vệ biên giới lãnh thổ. Rõ ràng, một Nhà nước Liên minh Nga - Belarus, nơi hai bên hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, sẽ là một thách thức lớn với phương Tây nếu muốn cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Thanh Huyền