Lời ca như mời gọi, thôi thúc chúng tôi rời đất Hà Thành “đội mây, cưỡi gió” lên vùng Tây Bắc. Mùa xuân, bản làng vùng Tây Bắc đẹp như Mường Tiên; những dãy núi trùng điệp, ngút ngàn ẩn hiện trong “tấm chăn” trắng muốt. Những lễ hội, làn điệu dân ca, những điệu xòe, tiếng khèn réo rắt gọi bạn... khiến du khách xa gần đã một lần đặt chân lên vùng đất này không thể nào quên.
Theo Quốc lộ 6, ngược lên Tây Bắc, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là mường Bi, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Cụ Bùi Văn Tông - người bản Lũy, xuân này đã bước qua tuổi 80 nhưng chân tay vẫn rắn chắc như cành cây lim, cây sến trên núi Mường Khụ. Gương mặt cụ lúc nào cũng tươi rói. Cụ kể: Hòa Bình có bốn mường lớn là: Bi, Vang, Thàng, Động. Vùng mường Bi được sử sách ghi lại là vùng đất cổ của người Mường.
Nơi đây, từ xa xưa, những người con đất Việt đã sản sinh ra một nền văn hóa nổi tiếng - Văn hóa Hòa Bình, nơi “đẻ” ra trường ca Đẻ đất - đẻ nước.
Chị Bùi Thị Tự - Trưởng phòng Văn hóa huyện Tân Lạc cho biết: Mùa xuân ở mường Bi có nhiều lễ hội, nhưng lễ hội lớn nhất, thu hút nhiều du khách nhất là Lễ hội Khai hạ. Đây là lễ hội cầu mùa và mở cửa rừng. Lễ hội là dịp để người dân đất Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh; là nơi để con người cầu mong cho xóm bản yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển; là nơi gặp gỡ, giao lưu, gạt bỏ những lo toan, cực nhọc trong cuộc sống, để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Lễ hội Khai hạ mường Bi đầy ắp tiếng cồng chiêng. Tưng bừng các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của dân tộc Mường. Vào Hội như vào một ngôi nhà lớn; ấm áp tình người và tràn ngập niềm vui. Vào Hội rồi chẳng muốn bước chân ra. Các trò chơi đá mảng, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy... làn điệu hát đúm, thường rang cứ níu chân chúng tôi ở lại.
Từ mường Bi, cái nôi của người Mường, chúng tôi vượt đèo Thung Khe cao ngất, uốn lượn như đường lên trời. Đặt chân vào đất đồng bào Thái Mai Châu. Cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được ở bản người Thái Mai Châu là những ngôi nhà sàn xinh xắn, là những vòng xòe xoay tròn lúc thu lại, lúc bung ra như cánh hoa muôn màu rực rỡ.
Ngày xuân ở Mai Châu có Lễ hội Chá Chiêng, cơm mới... Lễ hội Sên bản, sên mường là lễ hội lớn nhất, vui nhất và cũng đặc sắc nhất của đồng bào Thái Mai Châu.
Ngày mở Hội, du khách từ các nơi trên vùng Tây Bắc đổ về trẩy hội. Mỗi bản, mỗi mường đem về đây một trò chơi dân gian, điệu múa, món ẩm thực độc đáo để “khoe” với thiên hạ. Lễ Hội Sên bản, sên mường kéo dài 4 ngày, sau đó các bản rước thần Hoàng, thần núi về bản tổ chức Lễ hội riêng. Hội xuân kéo dài hết tháng giêng. Cụ Hà Văn Tằng, bản Lác, xã Chiềng Châu, người cao niên nhất của bản "khoe" rằng: Vào hội thì cả bản thức trắng đêm bên đống lửa giữa sân Nhà văn hóa bản. Trống xòe không lúc nào ngừng đập.
Năm 2016, Mai Châu đã tổ chức công bố "Quy hoạch điểm du lịch Quốc gia", đón nhận giải thưởng ASEAN cho các hộ du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu.
Ở Mai Châu (Hòa Bình) rộn ràng với điệu xòe thì ở Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La), những chàng trai, cô gái Mông lại súng sính trong những bộ trang phục rực rỡ muôn màu. Họ nắm tay nhau, từng tốp du xuân, hay ngồi trên những vạt cỏ bên đường, dưới tán đào rực rỡ để tâm sự. Những chàng trai, cô gái Mông "ưng cái bụng nhau" thì đi với nhau, ngồi với nhau thâu đêm suốt sáng. Để rồi, sang xuân họ thành vợ thành chồng.
Càng vào sâu "trong lòng" Tây Bắc, du khách càng được đắm chìm trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây. Có lẽ, điều đọng lại ấn tượng nhất vẫn là cuộc sống và phiên chợ vùng cao độc đáo của đồng bào Mông.
Người Mông định cư ở những vùng núi cao, hiểm trở, hoặc trong những thung lũng quanh năm mây mưa, sương mù bao phủ. Người Mông được coi là cộng đồng dân tộc có cá tính mãnh liệt và phóng khoáng nhất Tây Bắc.
Lên Tây Bắc thời gian chẳng là bao, nhưng chúng tôi đã ghi lại được nhịp sống trên vùng đất này để làm món quà xuân gửi đến bạn đọc mọi miền.
Hồng Bài