Sáng ngày 13-4-2023, Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào 1953. Tới dự Hội nghị có đồng chí Tòng Thị Phóng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội. Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương - Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.

Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào do ông Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam dẫn đầu đã tới tham dự Hội thảo.

Cách đây 70 năm, thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Đảng Lao động Việt Nam và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào và giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Thượng Lào 1953 góp phần mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng Việt Nam và Lào, củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, đẩy thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào và giành thắng lợi.

Sau thất bại ở Tây Bắc năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, nên đầu năm 1953, quân Pháp tăng cường củng cố thế phòng ngự nơi đây, trong đó tập trung xây dựng Sầm Nưa, cửa ngõ của Thượng Lào thành một tập đoàn cứ điểm gồm 11 vị trí do 3 tiểu đoàn trấn giữ. Đây là nơi địch tập trung quân đông nhất ở Lào thời điểm đó, nhằm ngăn chặn hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến sang Thượng Lào. Cùng với Sầm Nưa, tại Xiêng Khoảng, địch cũng bổ sung lực lượng, tăng cường tổ chức phòng ngự.

Trước hành động của quân Pháp, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua kế hoạch hoạt động Xuân - Hè 1953, quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào. Theo kế hoạch, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào tiến công địch ở Thượng Lào. Với phương châm tác chiến là dùng cách đánh vận động, nhanh chóng hành quân từ xa tới bao vây khống chế, không cho địch tăng viện hoặc rút lui; tiến hành công kích các điểm cao quan trọng ở ngoại vi, kết hợp đánh thọc sâu, chia cắt tiêu diệt quân địch, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang cách mạng hai nước phối hợp chặt chẽ, liên tục tiến công, truy kích địch. Trải qua gần 1 tháng chiến đấu, Chiến dịch Thượng Lào 1953 đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Phabăng và Phongxalì với hơn 30 vạn dân, làm phá sản kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của thực dân Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương, tạo bước phát triển quan trọng của cách mạng Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước đi đến thắng lợi quyết định.

Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc Hội thảo khẳng định: Chiến thắng Thượng Lào 1953 mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chiến dịch. Kết quả Chiến dịch Thượng Lào 1953 để lại nhiều kinh nghiệm quý về xác định hướng tiến công chiến lược, về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là vận động truy kích địch rút chạy, kinh nghiệm phối hợp giữa quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong điều kiện Quân đội nhân dân Việt Nam tác chiến trên đất bạn, chiến trường xa hậu phương, công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế khó khăn, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau,... Những bài học, kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Đông bày tỏ niềm tự hào trước những đóng góp của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh tính mạng và tài sản, đem hết sức mình phối hợp, giúp đỡ nhân dân nước Bạn Lào cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung; đóng góp một phần sức người, sức của, phối hợp tốt với quân và nhân dân Lào giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng, tạo nên thắng lợi chung, vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt của hai nước, hai dân tộc. Tỉnh Sơn La đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác hữu nghị toàn diện với 09 tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; hàng năm đều duy trì, tổ chức các đoàn đại biểu cấp cao, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố của tỉnh sang thăm, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hỗ trợ bạn xây dựng các công trình về y tế, văn hóa, giáo dục, sửa chữa, xây dựng trụ sở làm việc; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,... hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công tác phòng chống dịch Covid-19; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày Lễ kỷ niệm của mỗi nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, hai bên luôn thực hiện tốt công tác phối hợp và trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới...

Để Hội thảo khoa học có thêm cái nhìn toàn diện về Chiến thắng Thượng Lào, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết thêm: Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 13-4 đến ngày 3-5-1953. Sau 3 tuần vận động tiến công, truy kích địch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.800 quân địch (1/5 tổng số quân địch ở Lào), đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội ở khu vực sông Nậm Hu và hàng trăm địch ở mặt trận đường 7 - Xiêng Khoảng; giải phóng 5 vị trí và bức rút 25 vị trí khác; giải phóng khoảng 40 nghìn km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc các tỉnh Luông Pha-băng và Phong-xa-lì. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân đội cách mạng và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào. Thắng lợi đó tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai dân tộc vững bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Qua tham luận “Chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với Chiến dịch Thượng Lào 1953”, PGS. TS. Trần Trọng Thơ - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chiến lược, sâu sát thực tiễn, linh hoạt trong điều hành, nắm bắt và thúc đẩy thời cơ cách mạng là nguyên nhân cơ bản đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Thượng Lào 1953 nói riêng, vẫn còn nguyên có giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo Tổ quốc hiện nay.

Là một chứng nhân lịch sử, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh - nguyên sĩ quan Tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự, năm nay đã 94 tuổi, vẫn vẹn nguyên trong ký ức về một thời trai trẻ được tham gia Chiến dịch Thượng Lào 1953, trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản Sầm Nưa. Tại Hội thảo, ông bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của một người lính, may mắn được trực tiếp tham gia Chiến dịch Thượng Lào 1953, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, góp phần củng cố, phát triển lên tầm cao mới mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Đại tá Vông-xây In-thạ-khăm.

Đại tá Vông-xây In-thạ-khăm - Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại Sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam làm rõ thêm Chiến dịch Thượng Lào 1953 không chỉ là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc về tổ chức lực lượng và nghệ thuật tác chiến chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, góp phần tạo tiền đề quan trọng giúp lực lượng vũ trang cách mạng Lào ngày càng phát triển toàn diện, vững chắc trong tham luận “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp”. Từ đây, Quân đội Pathét Lào có hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng, có điều kiện phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương.

Với tham luận “Bài học về lựa chọn hướng tiến công trong Chiến dịch Thượng Lào 1953”, Trung tướng, TS. Lê Xuân Thành - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng một lần nữa khẳng định: Chiến dịch Thượng Lào 1953 là thắng lợi đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, lựa chọn hướng tiến công chiến dịch là một nét tiêu biểu. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, làm cơ sở cho việc vận dụng vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cũng như trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cấp chiến dịch, chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Hà Như Lợi - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tham gia Hội thảo với tham luận: “Công tác hậu cần trong Chiến dịch Thượng Lào 1953”. Những luận giải sâu sắc khẳng định vai trò của ngành Hậu cần Quân đội trong bảo đảm cho chiến dịch lớn, dài ngày, địa bàn tác chiến xa hậu phương trên nước Bạn Lào, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn, quan trọng của công tác hậu cần chiến dịch; qua đó rút ra những kinh nghiệm quý góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng ngành hậu cần quân đội trong thế trận khu vực phòng thủ thời bình, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu diễn ra).

Kết quả Hội thảo tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Thượng Lào 1953; đồng thời, góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ Chiến thắng Thượng Lào; góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; nâng cao niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận các thành tựu cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Tin và ảnh: HỒ THANH HƯƠNG