Ông Trần Văn Tải, Chủ tịch Hội CCB Trường chia sẻ, khởi đầu là việc đoàn trao tặng Bảo tàng Điện Biên bức tượng đồng bán thân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là tấm lòng của tất cả CBVC Nhà trường dâng lên Đại tướng trong dịp lễ trọng đại của dân tộc. Có đến tận mắt thấy những hình ảnh, hiện vật nơi đây, mới thấy hết chiến công oanh liệt của quân và dân ta suốt 56 ngày đêm “máu trộn bùn non” vô cùng gian khổ và ác liệt. Ở khu vực sa bàn và chiếu phim, chúng tôi bắt gặp một cặp vợ chồng già người Pháp đang lặng lẽ xem các thước phim tư liệu, về những chiến trận tại Điện Biên năm xưa với cặp mắt nể phục con người Việt Nam. Hướng dẫn viên người dân tộc Thái trắng đưa đoàn đến đồi A1, một trong số những địa danh nổi tiếng đã diễn ra trận đánh ngày 6-4/1954 của bộ đội ta. Căn hầm cố thủ của địch, hố bộc phá, xác chiếc xe tăng Bazeille…
Sau chuyến đi, nhiều CCB chia sẻ rằng, bạn có thể xem trên truyền hình và đọc sách báo về chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều đến đâu, cũng không có được cảm giác đặc biệt khi đặt chân lên Điện Biên, đặc biệt là tại đồi D1, nơi có tượng đài Chiến thắng Điên Biên Phủ oai hùng dưới ánh nắng chói chang và phóng tầm mắt nhìn vào trung tâm thành phố trẻ, toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh xanh ngắt những hàng cây. Đến hầm Sở chỉ huy quân Pháp, đã 60 năm trôi qua nhưng vẫn được bảo tồn khá tốt. Những đường cong đặc trưng của căn hầm này ngập tràn trên sách báo và phim ảnh, kể cả phía đối phương. Bên trong căn hầm, vẫn còn đó chiếc ghế của tên tướng bại trận Đờ- Cát, cạnh đó là hình ảnh 5 chiến sĩ oai hùng thuộc đại đội 360 gồm, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, các chiến sĩ Nguyễn Lam, Đào Văn Hiếu, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ từng xông thẳng vào hầm bắt giặc...Khi đoàn tới thăm Mường Phăng, đón đoàn bằng tiếng chào chưa sõi của các em bé người dân tộc Thái. Men theo những con đường nhỏ trong rừng, đi qua các khu vực lán, hầm của bộ đội thông tin, hậu cần…để đến nơi chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi đây là Đại bản doanh chỉ đạo toàn chiến dịch nằm trong một khu rừng lặng lẽ, là nơi diễn ra các cuộc đấu trí căng thẳng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Bác Hồ vạch chiến lược đánh thắng đội quân Viễn trinh hùng mạnh của nước Pháp.
Điện Biên đang gấp rút chuẩn bị cho ngày lễ lớn, nhưng phút giây tạm biệt Điện Biên đã đến. Lúc nói lời chia tay, các thành viên trong đoàn một lần nữa cùng ngắm nhìn những con đường đèo hùng vĩ, quanh co và núi non điệp trùng vùng Tây Bắc cứ hiện ra đẹp như tranh vẽ. Qua đó, càng tự hào và thấm thía giá trị của chiến thắng mà cha ông ta đã phải đổ bao xương máu. Khắp nơi trên chặng đường đoàn CCB Đại học Nha Trang đã đi qua và ghé thăm, ai cũng cảm nhận thấy giá trị lịch sử ấy mãi trường tồn cùng dân tộc. Đâu đâu cũng dày đặc những địa danh mang hồn thiêng của non sông đất nước ta…một chuyến đi trải nghiệm với đầy cảm xúc. Trở về với giảng đường đại học thân yêu, những CCB lại lên bục giảng, tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
C.Thi – X.Qùy