Là nhà khoa học, một chuyên gia nông nghiệp có cỡ, nhưng ông rất yêu văn thơ và sáng tác được những chùm thơ gửi báo. Mỗi tháng vào chiều ngày 15, ông và tôi đều có mặt trong CLB thơ phường Tương Mai. Đây là cuộc họp gần 30 thi hữu đông vui và ấm áp. Rất nhiều CCB là những “cây bút thơ”, đã đọc thơ, bình thơ và có những tiếng cười sảng khoái của thời anh “vệ túm”.

Tiến sĩ Lê Trọng, người con của đảo Lý Sơn, một hòn đảo từng gắn bó máu thịt với quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. Trò chuyện với ông trong phòng văn của tôi, trên căn gác tầng hai, tôi cảm nhận nơi ông tình yêu thiết tha với Hoàng Sa. Tôi hình dung, ông luôn luôn mở rộng vòng tay của một nhà khoa học đã đi qua tuổi “bát thập” để ôm trọn vẹn Hoàng Sa - đảo Cát Vàng - một giọt máu của cơ thể Việt Nam nơi biển Đông đầy sóng gió.

Trong một buổi sinh hoạt thơ, ông đứng lên với mái tóc bạc phơ và chùm râu trắng như cước, đọc bài thơ “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”. Giọng ông xúc động, nghẹn ngào: “Con lúc bé nghe cha cúng thỉnh/ Các vong linh binh lính Hoàng Sa/ Bỏ mình vì nước nơi xa/ Hãy vì hương huệ quê nhà Lý Sơn/ Lớn lên học sử đơn sử kép/ Sử dạy con khuôn phép nước nhà/ Hoàng Sa của Tổ quốc ta/ Cháu con phải giữ đừng sa nước ngoài/ Sử từng minh chứng mười mươi/ Hoàng Sa quần đảo của người Việt Nam”.

Triều Nguyễn, những chàng trai thạo nghề chài lưới nơi biển khơi, hằng năm, vâng lệnh triều đình, từng đội dân binh, đã ra Hoàng Sa giữ đảo và khai thác đặc sản của vùng biển này. Có người bỏ mình giữa trùng khơi. Câu ca xưa còn để lại cho người dân đảo Lý Sơn: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cần/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi lạt mây”. Chàng trai cù lao Ré bỏ mình vì nước, đồng đội bó anh trong chiếc chiếu, ngoài buộc mấy sợi mây, rồi thả xuống giữa trùng dương mênh mông trong những dòng nước mắt đau thương, thương nhớ.

Bây giờ ở xứ mả “Gô Việt”, thôn Tây, xã An Hải, đảo Lý Sơn vẫn còn đó mộ phần chiến sĩ Hoàng Sa đã hy sinh vì Tổ quốc. Mộ bia đề: “Đại Nam - mộ phần Hoàng Sa - Hiển Cao tổ Trần Lưu quận Nguyễn Quang Tám chỉ ghi thần linh mộ”.

Hưởng ứng bài thơ của tiến sĩ Lê Trọng - một “bài xướng” về quần đảo Hoàng Sa, các thi hữu, các cây bút thơ đã có những bài “họa lại”, vừa sâu sắc, vừa nhuần nhuyễn. Đây là bài thơ họa của Nguyễn Mậu Trà:

“Đất liền đau đáu nhớ Hoàng Sa/ Vọng gác tiền tiêu của nước nhà/ Biển đảo cấu thành hình Tổ quốc/ Núi sông tạo dựng bản hùng ca/ Chủ quyền xác lập từ Lê - Nguyễn/ Sử địa lưu truyền đến chúng ta/ Giữ lấy Cát Vàng không để mất/ Đất liền sát cánh với Trường Sa…”.

Cây bút Nghĩa Phương có bài họa khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Biển Đông quần đảo Hoàng - Trường Sa/ Sử sách còn ghi đất Việt ta/ “Tứ chỉ lộ đồ” – hình bãi cát/ Phủ biên tạp lục - đội quân nhà/ Lý Sơn khao tế vong binh lính/ An Hải dân truyền bi tráng ca/ Quần đảo tiền tiêu ta quyết giữ/ Dù cho sấm sét với mưa sa”.

Và đây là bài họa của cây bút nữ Trần Thị Tuyết. Bài họa có nhan đề: “Chủ quyền muôn thuở”.

“Trường Sa cùng với đảo Hoàng Sa/ Có tự bao đời đất của ta/ “Bãi cát vàng” bên “mâm cỗ cúng”/ Đội hùng binh nhớ “lễ khao… ca”/ “Phủ biên tạp lục” thiên niên sử/ “Tứ chí lộ đồ” khẳng định nhà/ Lãnh thổ thiêng liêng đã xác lập/ Chủ quyền muôn thuở Hoàng – Trường Sa”.

Tiến sĩ Lê Trọng, người con của đảo Lý Sơn còn thuộc rất nhiều câu ca - những sáng tác thuộc loại dân gian của vùng đảo quê nhà. Ông đọc bốn câu đã thuộc lòng, đã thấm vào máu xương của một người hoạt động trước cuộc Cách mạng tháng 8-1945: “Trường Sa trời biển mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lễ lính Hoàng - Trường Sa”.

“Đề tài Hoàng Sa” đối với tiến sĩ Lê Trọng là một “đề tài” tâm huyết, suốt một đời ông trăn trở với “đề tài” này.

TẠ HỮU YÊN