Hội viên CCB tỉnh Nghệ An giúp đỡ hỗ trợ công sức, khởi công xây Nhà tình nghĩa cho hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn.

Toàn quốc có 26 tỉnh tham gia Dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Dự án 5). Theo Đề án được phê duyệt, có tổng số 91.453 hộ, dự toán tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư tương ứng khoảng 3.015 tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên với định mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ.

Dự án 5 được phân bổ nguồn vốn khá lớn trong tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhưng kết quả thực hiện đạt rất thấp, còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Năm 2023, Dự án được phân bổ hơn 1.125,2 tỷ đồng, gồm 1.020 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách T.Ư và 105,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, còn có nguồn huy động khác là 62,24 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, mức giải ngân chỉ đạt dưới 40% so với kế hoạch đề ra. Một số tỉnh đạt tỷ lệ hỗ trợ rất thấp, dưới 1% như: Lạng Sơn, Lào Cai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lai Châu, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Nam...

Thực tế, định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ chưa đủ để đảm bảo được yêu cầu “3 cứng” và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Hầu hết các ngôi nhà được xây mới đều có thêm phần đối ứng của gia đình. Là hộ nghèo, còn phải lo ăn từng bữa, để có tiền đối ứng hoàn thiện căn nhà như yêu cầu của chương trình là vấn đề rất khó khăn, nan giải đối với nhiều hộ dân, đặc biệt đối với những gia đình không có khả năng thoát nghèo. Vì vậy, nguồn vốn hỗ trợ này của nhiều địa phương chưa thực hiện được.

Đối tượng thụ hưởng được quy định trong thực hiện dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở các chương trình, đề án chính sách khác. Nhiều ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 10 năm, ở một số địa phương từ 15 đến 19 năm, với mức hỗ trợ rất thấp, từ 5 đến 6 triệu đồng/hộ và yêu cầu tuổi thọ rất ngắn. Hiện nay, nhiều nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ, nhưng không được hỗ trợ sửa chữa, xây mới.

Ngoài ra, nếu được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngoài số tiền 40 triệu đồng, người dân được Ngân hàng CSXH cho vay thêm 40 triệu đồng nguồn vốn T.Ư. Còn đối với chương trình giảm nghèo, người dân chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Do vậy, người dân có sự lựa chọn trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng lớn đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo còn có nguyên nhân từ việc thống kê đối tượng được hưởng hỗ trợ tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, dẫn tới kết quả rà soát và số liệu đăng ký ban đầu có sự thay đổi lớn; việc xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để làm cơ sở giải ngân vốn hỗ trợ theo quy định còn chưa kịp thời, dẫn đến tỷ lệ hỗ trợ và giải ngân còn chưa đồng bộ…

Có thể lấy kết quả thực hiện Đề án vận động, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động là kinh nghiệm để triển khai hiệu quả trong hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong vòng chưa đầy 9 tháng, chương trình đã vận động ủng hộ được hơn 278 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000 căn nhà.

Để hộ nghèo sớm được “an cư” và thực hiện mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 5 như: Nâng mức hỗ trợ để hộ nghèo sau khi có nhà mới vẫn còn vốn để phát triển sản xuất; xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, trong đó có chính sách về hỗ trợ nhà ở vì đây là những đối tượng yếu thế trong xã hội, không có cơ hội để vươn lên thoát nghèo; các địa phương cần tích cực hơn nữa, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách, gắn với trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong triển khai rà soát đối tượng, giám sát tiến độ thực hiện Dự án 5 - Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Hồ Thanh Hương