![](/Pictures/9(4-6)1.jpg) *Đồng chí Ngô Minh Tiêm, Chủ tịch Hội CCB huyện Tiền Hải (Thái Bình) đến thăm một cơ sở nuôi ong lấy mật của Hội CCB tỉnh Thái Bình*
Tiền Hải là một trong hai huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, có 23km đường bờ biển trong đó vùng đất ngập nước đã được Chính phủ phê duyệt là khu bảo tồn thiên nhiên với hàng ngàn héc-ta cây bần, sú, vẹt… Diện tích rừng ngập mặn này là nơi cung cấp nguồn hoa khổng lồ để nuôi ong lấy mật. Ngày 26-7-1999, thường trực Hội CCB huyện Tiền Hải đã thành lập Hội nuôi ong lấy mật bảo vệ môi trường (OMMT). Sau hơn 10 năm gây dựng, tuy còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, ô nhiễm môi trường, có đàn ong đã chết hàng loạt hoặc bay mất khiến nhiều hội viên lâm vào cảnh thất thu, thậm chí trắng tay. Nhưng những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn kiên định vững vàng vượt lên mọi thử thách, gây dựng lại đàn ong từ đầu. Cho đến nay, Hội đã có hơn 100 hội viên nuôi ong (trong đó có tới 98% là CCB) tập trung chủ yếu ở 3 khu vực bảo tồn thiên nhiên Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh. Vì việc nuôi ong phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, môi trường nên chỉ cần một biến động nhỏ hay khu vực nào phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là đàn ong lập tức bay đi ngay. Vì vậy những hội viên nuôi ong cũng là những người luôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân. Mặt khác, trong quá trình chăn thả ong ở rừng ngập mặn, các hội viên đã phát hiện, báo cáo chính quyền và các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, xử lý các hành vi phá rừng, săn bắt chim thú quý hiếm. Đặc biệt năm 2004 đã phối hợp với Đồn biên phòng 72 bắt gọn một toán người vượt biên trái phép. Hằng năm, mỗi đơn vị cơ sở trồng được từ 250-300ha rừng ven biển vừa chắn sóng bảo vệ chân đê vừa giữ gìn môi trường sinh thái vùng biển.
Từ thực tiễn cho thấy quy mô cũng như hiệu quả hoạt động của Hội nuôi ong lấy mật bảo vệ môi trường còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển, song cũng đã thu hút được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức trong và ngoài nước. Có thể khẳng định rằng đây là một mô hình hoạt động rất thiết thực vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại góp một phần quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.
Trần Bầu