Trung tướng Nguyễn Song Phi, phát biểu khai mạc Hội nghị.
* Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam vừa chủ trì Hội nghị CCB toàn quốc, tổ chức tại quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng về Công tác hòa giải ở cơ sở của CCB.
Quán triệt tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Song Phi nhấn mạnh đến những tham luận của các tập thể, cá nhân gửi về Hội nghị; dẫn chứng những vụ hòa giải thành và không thành; hòa giải nhanh và hòa giải kéo dài... Đồng chí cho rằng tất cả đều có một yếu tố đặc biệt quan trong là Tổ Hòa giải đã hiểu hay chưa hiểu kỹ vụ việc. Nói cách khác, kinh nghiệm của kinh nghiêm là Tổ Hòa giải nói chung, các thành viên trong Tổ nói riêng phải hiểu rất kỹ, hiểu đúng bản chất vụ việc trước khi tiến hành hòa giải.
Hai vụ hòa giải thành dưới đây góp phần làm sáng tỏ thêm chỉ đạo của đồng chí Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam.
Mâu thuẫn kéo dài 15 năm
Đó là mâu thuẫn giữa ông T và ông V đều là đảng viên có hơn 60 năm tuổi Đảng, sinh hoạt cùng một chi bộ, thường trú tại phường Tràng Minh, quận Kiến An, T.P Hải Phòng.
Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn: Năm 2003, khoảng đất trống trước nhà một số hộ gia đình, trong đó có nhà ông T, bị người dân xung quanh tận dụng chia nhau mỗi người một khoảnh để tăng gia sản xuất. Khi sinh hoạt chi bộ, ông T phát biểu cho rằng ông V - Bí thư chi bộ khu dân cư đã đồng tình “lợi ích nhóm” với người dân để lấn chiếm đất công. Sau đó cứ mỗi lần sinh hoạt chi bộ, ông T lại đưa vấn đề ra để phê bình ông V.
Mâu thuẫn phát sinh ngày càng phức tạp. Ông T gửi đơn khiếu kiện lên cả thành phố và T.Ư tố cáo ông V. Còn ông V thì họp ra Nghị quyết phê bình ông T vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đã có tới hơn 100 cuộc họp chi bộ đưa ra giải quyết nhưng hai bên vẫn mâu thuẫn, đến mức ông T bỏ sinh hoạt Đảng...
Năm 2018 sau khi Luật Hòa giải có hiệu lực, Đảng ủy phường giao cho Tổ Hòa giải tổ dân phố Minh Khai 3 do CCB Nguyễn Mạnh Đản vừa là Hội trưởng CCB vừa là Trưởng ban Công tác mặt trận làm Tổ trưởng, trực tiếp hòa giải mẫu thuẫn giữa ông T và ông V. Tổ phân công cho cả 7/7 thành viên trong Tổ nghiên cứu nắm rõ từng vấn đề dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người; đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, quan điểm cá nhân của từng người để trả lời câu hỏi: Tại sao một mâu thẫn rất nhỏ lại kéo dài tới 15 năm. Sau khi nghiên cứu kỹ từng trường hợp, Tổ đã tìm ra nguyên nhân, có cả chủ quan của hai người; có cả khách quan của tập thể, gia đình, bầu bạn.
Tám giải pháp, cũng là tám công việc đã được Tổ xây dựng thành kế hoạch thực hiện trong quá trình hòa giải. Và mới chỉ sau hai bước làm đầu tiên thì mâu thuẫn giữa hai người đã giảm hẳn xuống. Đó là, Tổ tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp kết luận rõ đúng sai và trả lời bằng văn bản đối với các nội dung khiếu nại tố cáo. Đồng thời chính quyền các cấp cũng kết luận làm rõ các nội dung có liên quan đến lấn chiếm đất của các hộ dân...
Rút đơn khiếu kiện, ông T nói với Tổ trưởng Tổ Hòa giải: “Tôi chờ chính quyền kết luận đúng sai, sai đến mức độ nào của ông V mà đến nay mới được sáng tỏ. Nay tôi xin rút đơn kiện ông V”. Còn ông V thì cũng bỏ qua đối với những việc làm của ông T trên tinh thần đồng chí, đồng đội.
Kết quả hai người đã thống nhất bỏ qua những chuyện cũ, bắt tay nhau đoàn kết trở lại...
CCB Nguyễn Mạnh Đản nói: “Lúc đầu chúng tôi lúng túng chưa biết bắt đầu hoà giải từ đâu. Sau càng kiên trì, mềm dẻo, khéo léo tìm hiểu vụ việc chúng tôi càng rõ cách tiến hành hòa giải, bước đầu tiên phải có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp và chính quyền về nội dung đơn tố cáo của ông T. Nghĩa là nếu chỉ gặp gỡ, động viên hai người đoàn kết lại với nhau kiểu động viên chung chung thì không thể hòa giải thành”.
Mâu thuẫn đặc biệt nghiêm trọng được hòa giải sau 24 giờ!
Đó là vụ xô xát vào hồi 23 giờ, ngày 28-4-2018, đâm chém nhau giữa thanh niên làng Dọch Kuế, xã Ia Khai và làng Yom, xã Ia Krái, thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, dẫn đến Ksor Su sinh năm 2001 của làng Yom tử vong. Dân làng Yom định đem quan tài sang làng Dọch Kuế đòi bồi thường.
Trước vụ việc mâu thuẫn nghiêm trọng giữa hai làng, Huyện ủy huyện Ia Grai đã giao cho Mặt trận Tổ quốc và Hội CCB huyện thành lập ngay Tổ Hòa giải giữa hai xã và lấy lực lượng CCB làm nòng cốt. Tổ Hòa giải còn mời thêm hai người có uy tín là Rơ Lan Kang - nguyên Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ tịch Hội CCB xã Ia Khai và Rơ Châm Chích - nguyên Chủ tịch Hội CCB xã Ia Chía, là người rất có uy tín với dân làng Yom cùng tham gia tổ hòa giải với Chi hội CCB; già làng, trường bản hai làng cùng đến gia đình Ksor Su vừa lo tang lễ cho gia đình vừa kết hợp phân giải trong tình làng, nghĩa xóm và chính quyền nhận lỗi với gia đình và nhân dân, để thanh niên hai thôn mâu thuẫn với nhau từ lâu không được ngăn chặn, dẫn đến đánh nhau không may gây án mạng.
Gia đình và dòng họ Ksor Su đã nhận ra nguyên nhân chính là do mâu thuẫn giưa thanh niên hai làng, nếu đưa quan tài của Ksor Su sang làng Dọch Kuế thì sẽ làm cho mẫu thuẫn hai làng càng nặng nề hơn, thậm chí có thể dẫn đến thêm những án mạng khác.
CCB Lê Thị Tứ - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh Gia Lai cho tôi biết: “Nhờ những lý giải, phân tích có lý, có tình của Tổ Hòa giải hai xã, hai làng và do CCB làm nòng cốt, kết quả chỉ sau 24 giờ gia đình Ksor Su đã không đưa quan tài sang làng Dọch Kuế. Hai làng còn cùng bàn bạc thống nhất đóng góp chung tiền bồi thường, hỗ trợ cho gia đình mai táng Ksor Su theo phong tục của địa phương.
Trên đường đi thực tế, đến tham quan Khu Di tích Bạch Đằng Giang, đồng chí Nguyễn Văn Trượng - Trường ban Pháp luật Hội CCB Việt Nam nhấn mạnh với tôi rất nhiều lần về hai vụ mẫu thuẫn ở Hải Phòng và Gia Lai; một vụ mâu thuẫn giữa hai cá nhân qua nhiều năm, một vụ mâu thuẫn tức thì giữa hai làng, đều được hòa giải thành là do Tổ Hòa giải nắm rất chắc, hiểu rất kỹ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn nên tiến hành các bước hòa giải được phù hơp, mang lại hiệu quả.
Trao đổi về Di tích Bạch Đằng Giang - nơi Hội nghị chọn đi thực tế, đồng chí Trường ban Pháp luật Hội CCB Việt Nam cho rằng, ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, chính là bước đi trong “Cuộc hòa giải lớn” của Dân tộc nhằm ngăn chặn từ trong ý thức hệ âm mưu xâm lược nước ta của nước ngoài.
HUY THIÊM