Điều đáng nói ở đây là dù xe có kích thước lớn, nhưng tài xế vẫn không ngán luồn lách, di chuyển hệt như lái một chiếc xe máy trên hè đường.
Trước đó là hình ảnh chiếc taxi mang biển số 30E-7850 vượt đèn đỏ hướng đại lộ Thăng Long - đường Nguyễn Chánh (T.P Hà Nội). Cảnh sát yêu cầu lái xe tấp vào lề đường, nhường cho đoàn xe ưu tiên dự Hội nghị APEC. Tuy nhiên, “bác tài” vẫn cố tình cho xe di chuyển rồi “ủi” cả cảnh sát để bỏ chạy...
Một tài xế khác, ở Đô Lương (Nghệ An), trong khi chở khách vẫn vừa lái, vừa lướt điện thoại…
Còn nhiều những chuyện “ngang tai, trái mắt” của lái xe lắm... Người ta phát chán, chẳng buồn xem nữa.
Chán, nhưng rồi lo ngại, bởi tình trạng nhiều “bác tài” tùy tiện “càn lướt”, đánh võng, đi ngược chiều, lỗ mãng, hành hung hành khách… ngày càng nhiều, bất chấp sự lên án của dư luận và xử lí của cơ quan chức năng.
Tiếng Việt vốn phong phú và biểu cảm. Từ “bác”, ngoài dùng chỉ anh của cha hoặc mẹ, còn dùng để chỉ người lớn tuổi với ý tôn trọng, tin cậy.
Và khi dùng từ “bác tài” để chỉ người lái xe - kể cả những lái xe trẻ tuổi, thì các cụ ta đã ngụ ý gửi gắm niềm tin vào những người ngồi sau vô lăng mà sau họ là tính mạng con người. Ngoài ra, lời nói và cách ứng xử của các “bác” còn là tấm gương để hành khách soi rọi.
Hơn ai hết, các bác tài cần ý thức được trọng trách cao cả, nhân văn của nghề nghiệp mà mình theo đuổi.
Đã chọn nghiệp “xế”, mong các “tài” hãy xứng là “bác”!
NGUYÊN PHONG