Đồng chí Nguyễn Khắc Nguyệt lái xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Trong không khí cả nước vui mừng hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), tôi có dịp trò chuyện cùng Đại tá, nhà văn, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2. Ông chính là một trong những đại biểu sẽ dự buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các CCB, cựu TNXP tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dự kiến diễn ra ngày 9-4 tại Thủ đô Hà Nội.

Bằng chất giọng trầm ấm, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt kể lại những giờ phút sinh tử nhưng rất đỗi hào hùng cách đây tròn 50 năm - hành trình ông cùng đồng đội trong đội hình thọc sâu, đánh chiếm Sài Gòn, tiến về Dinh Độc Lập.

Tháng 12-1971, ông nhập ngũ vào bộ đội xe tăng và được cử đi học lái tăng. Tuy nhiên, do yêu cầu của chiến trường nên tháng 3-1972, ông đã đi chiến đấu mặc dù chưa học hết khóa đào tạo.

Chiến trường đầu tiên ông có mặt là Quảng Trị. Sau đó, gần 3 năm “ém quân chờ thời cơ” ở tây Thừa Thiên. Ngày 25-3-1975, ông tham gia giải phóng T.P Huế rồi đến Đà Nẵng 29-3-1975. Ngày 7-4-1975, đơn vị được quán triệt mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng...” và bắt đầu cuộc hành quân “thần tốc” hơn một nghìn cây số về phía Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội xe tăng 4 của CCB Nguyễn Khắc Nguyệt nằm trong thê đội 1 thuộc binh đoàn thọc sâu, đánh vào nội đô Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập. Trên chiếc xe tăng 380 do ông Nguyệt lái gồm 4 thành viên: Trưởng xe Nguyễn Đình Luông, Nguyễn Kim Duyệt, Trương Đức Thọ và ông.

Tuy nhiên, do các đơn vị đánh “bóc vỏ” gặp khó khăn ở căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai) nên ngày 28-4-1975, cấp trên rút xe 380 của ông tăng cường cho Đại đội XT5. Trong trận này, xe ông bị trúng một quả đạn vào tháp pháo làm nóc quạt thông gió bị thủng, bay mất khẩu 12 ly7, hỏng đại liên song song bên pháo, điện đài cũng hỏng... 4 thành viên trong xe thì Nguyễn Kim Duyệt hy sinh, trưởng xe Nguyễn Đình Luông bị thương nặng phải đi viện, chỉ còn pháo thủ Trương Đức Thọ và ông nên được xếp vào đội hình thê đội 2 - nghĩa là cơ động phía sau phân đội đi đầu khoảng vài trăm mét.

Ngày 29-4, cùng với bộ binh, đơn vị ông phá toang chốt chặn Nước Trong mở đường cho Quân đoàn tiến về Sài Gòn.

Sáng 30-4, tại chốt chặn đầu cầu Sài Gòn, một số xe tăng của Đại đội 1, Đại đội 3 bị bắn cháy, hỏng hoặc dạt xuống vệ đường tránh đạn bị sa lầy, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hy sinh khi nhô người lên chỉ huy chiến đấu. Đơn vị rơi vào tình huống bất lợi... Chấp hành mệnh lệnh của trên, Đại đội 4 chớp thời cơ, xông lên tiêu diệt địch, vượt được cầu Sài Gòn, tiến vào nội đô.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt kể chuyện tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với PV Báo CCB Việt Nam.

Theo CCB Nguyễn Khắc Nguyệt, hai xe 843, 390 cùng nhau vượt qua cầu Sài Gòn nhưng chạy hai đường khác nhau. Xe 843 chạy từ Thảo Cầm Viên về Dinh Độc Lập; xe 390 chạy theo đường Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh). “Hồi đó ai biết gì về thành phố đâu. Chúng tôi chỉ được hướng dẫn trước là qua cầu Thị Nghè, chạy đến ngã tư thứ bảy rẽ trái. Tất cả phải học thuộc lòng” - ông Nguyệt kể.

Khi đến Dinh Độc Lập, xe tăng 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lao vào cổng phụ bên trái, xe bị khựng lại. Xe 390 do chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy từ phía sau lao lên, húc thẳng vào cổng chính, cánh cổng Dinh đổ sập. Từ xe 843, đại đội trưởng Bùi Quang Thận tháo lá cờ Giải phóng trên ăn-ten đài vô tuyến điện chạy lên nóc dinh cắm cờ, báo hiệu giờ phút toàn thắng của chiến dịch.

Tiếp sau hai xe 843, 390 thì một loạt xe khác, trong đó có xe 380 do chiến sĩ Nguyễn Khắc Nguyệt lái cũng vào đến sân Dinh Độc Lập. “Dừng xe ngay gần bồn nước giữa sân, tôi và pháo thủ Thọ nhảy xuống, ôm lấy nhau nhảy tưng tưng như trẻ con, vui sướng đến tột cùng, hạnh phúc vô biên” - ông Nguyệt nhớ lại.

Sau đó, đồng chí Thọ chạy vào trong Dinh, còn ông - “lái xe không được rời xe” nên trở lại buồng lái, nhìn những vệt máu của Nguyễn Kim Duyệt vẫn còn vương trên sàn xe, mùi máu vẫn tanh nồng thì tâm trí ông Nguyệt lắng lại, lòng trào lên niềm thương xót vô hạn đối với người bạn chiến đấu thân thiết. Mắt rưng rưng, ông Nguyệt nghẹn ngào: “Anh Duyệt đã cùng biết bao anh hùng liệt sĩ hy sinh để chúng tôi được hưởng niềm vui chiến thắng hôm nay”.

Bồi hồi trước “cây số cuối cùng” trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, một tứ thơ chợt nảy ra trong đầu, ông Nguyệt vội lấy cuốn sổ tay đã bị mảnh đạn chém mất 1/3 chiều ngang hôm 28-4, rồi viết vội: “Khi chiếc xe tăng dừng trước Dinh Độc Lập/ Ta ngỡ ngàng - Đây thật hay mơ?/ Cây số cuối cùng - Cuộc trường chinh dằng dặc/ Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa”.

Cho đến giờ, dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến ngày hôm ấy, ông Nguyệt vẫn dạt dào cảm xúc, ký ức về thời chiến đấu hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trên gương mặt của người lính già.

Sau giải phóng, ông Nguyệt tiếp tục đi học và công tác tại binh chủng Tăng thiết giáp, gắn bó với nhiệm vụ huấn luyện - đào tạo đến năm 2008 thì nghỉ hưu.

Hiện nay, ông dành phần đời còn lại của mình để viết. Bởi theo ông: Cả đời làm bạn cùng cây súng/ Hưu rồi mới chập chững văn chương/ Trả món nợ tình bao đồng đội/ Vẫn còn nằm lại chốn sa trường… Khi được sống trong niềm vui của hoà bình, ông càng nghĩ về những gian khổ, ác liệt của chiến tranh, đặc biệt là sự hy sinh của đồng đội. Biết ơn sự hy sinh của họ, ông còn được sống đến hôm nay. Chính “món nợ tinh thần” ấy thôi thúc ông phải viết cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào, để họ biết cái giá phải trả cho cuộc sống hoà bình hôm nay.

Hai cuốn sách: “Bút ký lính Tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập” và “Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam - Lịch sử nhìn từ tháp pháo” của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt được chọn đưa vào bộ sách Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với sự thôi thúc ấy, đến nay ông đã có 16 đầu sách viết về đồng đội, đơn vị, binh chủng của ông và những gì ông trải nghiệm. Có thể nói, những tác phẩm của ông như một nén tâm nhang thắp cho những người đồng đội đã khuất và cũng là món quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường.

Kỷ niệm Ngày 30-4 năm nay, Nhà xuất bản Trẻ đã chọn 2 cuốn sách của ông đưa vào bộ sách Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó là “Bút ký lính Tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập” tái bản lần thứ ba và “Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam - Lịch sử nhìn từ tháp pháo”.

Không chỉ có vậy, ông còn tổ chức nhiều hoạt động vì đồng đội như: Cầu siêu cho các liệt sĩ, thăm chiến trường xưa... Năm 2015, ông tổ chức cho đồng đội về nguồn bằng đường bộ. Năm 2025, ông vận động được tài trợ cho đồng đội Đại đội 4 vào T.P Hồ Chí Minh dự kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.

Với những việc làm thiết thực ấy, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt phần nào tri ân đồng đội đã hy sinh, đồng thời cũng góp sức mình vào giáo dục thế hệ trẻ. Ông mong rằng lớp trẻ luôn ghi nhớ, trân trọng những thành quả mà các thế hệ cha anh đi trước đã đổ xương máu giành được.

Vũ Minh