Mục tiêu trong năm 2013 của nước ta là thu hút khoảng 13-14 tỷ USD vốn FDI đăng ký, cao hơn mức 12,7 tỷ USD đã đạt được trong năm 2012. Vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI trong nền kinh tế đã được khẳng định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện đã xuất hiện một vấn nạn làm ăn chộp giật, một số doanh nghiệp FDI có 100% vốn nước ngoài làm ăn tại Việt Nam đã bỏ trốn, gây khó khăn cho KTXH Việt Nam.

Tuy chưa là hiện tượng phổ biến, nhưng chuyện một số doanh nghiệp FDI bỏ trốn đang gây nhiều hậu quả xấu, để lại một gánh nặng khá lớn về nợ lương, nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ BHXH cho người lao động… Tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn diễn ra tại nhiều địa phương, trong đó tập trung tại các địa phương có số doanh nghiệp FDI nhiều nhất ở phía Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các cơ quan quản lý, TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương có số doanh nghiệp FDI “xù nợ” và đóng cửa hoạt động nhiều nhất cả nước. Tính đến ngày 31-12-2012, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp FDI nằm ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn hoạt động; 5.012 doanh nghiệp FDI gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế thành phố, trong số này có 1.198 doanh nghiệp thuộc diện bỏ trốn, chiếm 23% số doanh nghiệp ngừng hoạt động nói chung; riêng trong lĩnh vực gia công đã có 60 doanh nghiệp FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không thực hiện hợp đồng thanh khoản gia công; chỉ tính riêng tiền thuế, các doanh nghiệp này đã “xù” hàng trăm tỷ đồng. Tại tỉnh Bình Dương, trong năm 2012, có 560 trong số gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh phải giải thể, tạm ngừng hoạt động; trong những tháng cuối năm 2012 liên tục có những doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI bỏ địa chỉ kinh doanh (bỏ trốn). Tại tỉnh Đồng Nai, đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp bỏ trốn, trong đó có 42 doanh nghiệp FDI, gây nên số nợ hàng tỷ đồng BHXH, thiệt thòi cho công nhân và ngành chức năng địa phương… Khó khăn lớn nhất cho các cơ quan chức năng địa phương nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn là không phát hiện được thời gian họ về nước, thậm chí các cán bộ khu công nghiệp nơi doanh nghiệp FDI hoạt động cũng không biết nên rất khó tìm được địa chỉ của các chủ doanh nghiệp FDI này. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu dùng nguồn vốn từ nước ngoài, lượng tiền vay ngân hàng trong nước khá ít nên việc xử lý các khoản nợ của doanh nghiệp qua các ngân hàng trong nước, qua tài sản thế chấp là khó khả thi, nhiều khoản nợ bị treo vì cơ quan quản lý không tìm được địa chỉ chính xác của chủ doanh nghiệp đó tại nước ngoài. Doanh nghiệp FDI ra đi, để lại khoản nợ lương, nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ BHXH của công nhân, thế nhưng ngành chức năng cũng không thể xử lý, phải khoanh vào diện doanh nghiệp vắng chủ chờ xử lý.

Trong cuộc họp báo đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu, tham khảo pháp luật quốc tế về chế tài xử lý và đề phòng những trường hợp tương tự xảy ra. Hiện với những nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn, các cơ quan quản lý địa phương đang tìm cách giải quyết, khắc phục các hậu quả để lại, trong đó có vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Việc nhanh chóng tìm được giải pháp hạn chế những tiêu cực từ vốn FDI trở nên vô cùng cấp thiết, để những sự việc như thế này không trở thành vấn nạn, cản trở sự phát triển KTXH của đất nước nói chung.

Minh Anh