Năm 2016, nhận định tình hình khí tượng thủy văn, hiện tượng El Nino đang trên đà suy yếu và tiếp tục tác động đến thời tiết các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ trong mùa mưa lũ. Bão và áp thấp nhiệt đới dự kiến ở mức xấp xỉ thấp hơn trung bình nhiều hơn năm 2015; khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 đến 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Thời gian tập trung vào tháng 7, 8 và 9. Có khả năng xuất hiện bão mạnh và siêu bão. Đợt nắng nóng đầu tiên có thể xảy ra vào đầu tháng 5 và tập trung vào các tháng 5, 6 và 7. Thời gian tới cũng có thể xuất hiện các trận mưa lớn, gây ngập úng trong nội thành và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và Công ty Thuỷ lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn; rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được chủ đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2016; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2016. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão lập báo cáo hiện trạng công trình đê yếu. Trên cơ sở đó xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm TP Hà Nội năm 2016.
Về 4 điểm trọng yếu được xác định là Trạm bơm Yên Sở (Hoàng Mai); cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (Đông Anh); khu vực đê, kè Thanh Am - Tình Quan (Long Biên). Về 8 điểm xung yếu gồm: Kè Khê Thượng (Ba Vì); đê Sen Chiểu và Vân Cốc (Phúc Thọ); kè Liên Trì (Đan Phượng); kè An Cảnh (Thường Tín); kè Quang Lãng; kè Đổng Viên (Gia Lâm); kè Tân Hưng (Sóc Sơn). Theo ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây, trên địa bàn Hà Nội có 8 điểm trọng yếu. Tuy nhiên, thành phố đã tập trung đầu tư, xoá được 4 trọng điểm. 4 trọng điểm còn tồn tại này nếu gặp mưa lớn sẽ gây nguy hiểm, xảy ra vỡ đê, ngập khu dân cư.
Triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 và số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống Sông Hồng, sông Thái Bình. Không gian thoát lũ được xác định bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê; giữ nguyên vị trí các tuyến đê hiện có (Sông Hồng đoạn qua Hà Nội). Từng bước di dời 9 khu dân cư với 1.900 hộ dân ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ. Quá trình thực hiện phải chờ rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch như Quy hoạch Đê điều, Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng (có liên quan đến bãi sông) để phù hợp với Quyết định số 275 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Bài và ảnh: An Hà