Ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thông tin tại buổi họp báo
Về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, ông Trần Quốc Chiêm cho biết, Hà Nội sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng vào đêm giao thừa cũng như lễ hội âm thanh và ánh sáng đường phố, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao tại nhiều địa điểm lớn, cùng đó là Giải bơi chải tại Hồ Tây, hồ Linh Đàm, giải vật truyền thống Đan Phượng…Đêm giao thừa, theo ông Chiêm, Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận (huyện) thị xã. Điểm mới năm nay là giao rõ người, rõ việc, rõ đầu mối để tổ chức công tác bắn pháo hoa. Phía Sở phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật trước thời điểm bắn pháo hoa để phục vụ người dân và du khách thăm quan, kinh phí chi cho hoạt động bắn pháo hoa được lấy từ nguồn xã hội hóa. Về các hoạt động quản lý lễ hội dịp đầu xuân, đến nay, thành phố đã cùng các địa phương có các lễ hội trọng điểm là Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, thị xã Sơn Tây, Mê Linh, Ba Vì, Đống Đa…hoàn thiện các công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức cho các lễ hội an toàn, vui tươi.
Tại buổi giao ban, ông Lê Hữu Mạnh - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, lễ hội đền Sóc 2018, Ban tổ chức dự kiến thay đổi hình thức tạ lễ, sẽ cải tiến tục rước hoa tre từ đền Thượng xuống đền Hạ để tránh tái diễn cảnh tranh cướp lộc. Những năm trước đây tại phần rước lễ đã xảy ra hiện tượng giẫm đạp, tranh cướp giành lộc hoa tre. Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm 2018, Ban tổ chức đã bàn bạc với các thôn làng của huyện Sóc Sơn, Sở VH&TT Hà Nội, thay đổi cách thức tế lễ. Cụ thể, phần lễ sẽ được đẩy lên sớm hơn, 6 giờ 45 ngày mùng 6 tháng Giêng đánh trống khai hội. 7 giờ bắt đầu phần tế lễ. Tuy nhiên năm nay, các lễ vật sẽ được đưa vào hậu cung Đền Thượng. Lễ tạ và phát lộc sẽ được thực hiện nhưng chưa công bố thời gian cụ thể. Công an huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch, có phương án đảm bảo giao thông, chống ùn tắc trên các tuyến đường và chống cướp giật trên núi để đảm bảo an toàn cho du khách về dự lễ hội. Lễ hội đền Sóc diễn ra trong 3 ngày (từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch) để tưởng nhớ Thánh Gióng, vị anh hùng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Lễ hội mang đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Cũng tại buổi họp này, thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội – Du lịch Chùa Hương năm 2018 với chủ đề “Lễ hội kỷ cương- Văn minh du lịch”, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, Ban tổ chức sẽ cố gắng hết sức để có một mùa lễ hội an toàn, đẹp và hài lòng cho du khách với quan điểm “An toàn, văn minh, lịch sự, đạt hiệu quả cao”, trong đó chú trọng thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm các vi phạm, phòng ngừa các loại tệ nạn xã hội như bói toán, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả; Ban tổ chức không gây phiền hà cho chủ phương tiện và du khách; hướng dẫn khách dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định…
Tin và ảnh: QUỐC HUY