Trước đó từ năm 2008, Hà Nội đã tiếp nhận từng phần diện tích nhà, đất do Bộ Quốc phòng bàn giao và triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận Khu di sản văn hoá thế giới.

Thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kết hợp với chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích này nằm trong tổng thể Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Theo đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, hiện một số đơn vị thuộc Bộ đã di chuyển ra khỏi khu Hoàng Thành, tạo điều kiện để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Hà Nội quản lý.

Bộ trưởng Thanh khẳng định, tháng 6 tới, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng Khu di tích Thành cổ cho Hà Nội theo cam kết của Chính phủ với UNESCO về nhất thể hóa quản lý Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Tại cuộc họp, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định Hà Nội sẽ quản lý và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao toàn bộ khu vực này.

Hoàng thành Thăng Long rộng khoảng 140 ha, trong đó khu vực được công nhận di sản thế giới rộng 20 ha, gồm khu khảo cổ ở số 18 đường Hoàng Diệu và khu vực được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu.

Đây là trung tâm thành Thăng Long xưa, còn nhiều di tích tồn tại đến ngày nay như điện Kính Thiên, nhà D67, cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc... Trong thời chiến và thời bình, khu vực này được Bộ Quốc phòng quản lý, riêng nhà D67 từng là nơi làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Văn Tiến Dũng, phòng họp của Bộ Chính trị và quân ủy trung ương.

Quỳnh Anh (TH)