Năm 2012 đặt mục tiêu tăng trưởng 10-10,5% Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lí; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng khung, phát triển đô thị bền vững; khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và vị thế của Thủ đô. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Hà Nội năm 2012 là từ 10-10,5%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 15%; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15-17%; tăng thêm 100 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THPT đạt 84%; tạo việc làm mới cho 139.000 lao động; giảm tỉ lệ hộ nghèo còn 1,5%; lượng nước sạch tăng thêm 100.000 m3/ngày đêm; tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch đối với nội thành đạt 100%; thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày tại các quận, thị xã duy trì mức 98%, tại các huyện duy trì mức 75%; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lí nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường... Nghị quyết đặt ra 6 nhóm giải pháp: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tập trung kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, quân sự địa phương. **37 dự án trọng điểm ** Với nguyên tắc đầu tư tập trung, không dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn cao, HĐND thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt 37 dự án đầu tư trọng điểm do thành phố quản lí với tổng vốn hơn 147.373 tỉ đồng, trong đó vốn cho giai đoạn 2011-2015 gần 130.000 tỉ đồng, dự kiến có 31 công trình sẽ hoàn thành trong giai đoạn này. Trong số 37 dự án có 14 dự án giao thông trọng điểm có tính chất quyết định giải quyết ùn tắc giao thông, dự kiến có 11 công trình giao thông, 4 công trình cải thiện môi trường, 7 dự án văn hóa - xã hội hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015. Thông qua 5 dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn trọng điểm; hai dự án xây dựng hạ tầng cho phát triển khoa học công nghệ; hai dự án phục vụ bảo đảm an ninh và cải cách hành chính, đều dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015. Hai chương trình mục tiêu của thành phố giai đoạn 2011-2015 là Chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông và Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Tăng phí đăng kí ô-tô cá nhân và tham quan di tích, danh thắng HĐND thành phố Hà Nội quyết định lệ phí cấp mới giấy đăng kí kèm biển số với xe ô-tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ tăng từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Mức thu lệ phí trước bạ áp dụng đối với ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) được áp dụng mức thu tối đa là 20% đối với trường hợp nộp lệ phí lần đầu nhằm tăng thu ngân sách để thực hiện các dự án giao thông công cộng. Kê khai nộp lệ phí lần 2 trở đi giữ nguyên theo mức cũ là 12%. Với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống không tăng phí, xe máy trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng được điều chỉnh tăng lệ phí cấp mới đăng kí kèm biển số từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng; trị giá trên 40 triệu đồng tăng từ 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng. Về phí tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử đối với người lớn: Thắng cảnh Chùa Hương tăng từ 29.500 đồng lên 49.000 đồng; các điểm thắng cảnh tại Ba Vì, di tích lịch sử có mức thu cũ từ 10.000 đồng trở lên điều chỉnh tăng lên 20.000 đồng; các di tích lịch sử và các điểm có tính chất tâm linh, tín ngưỡng (đền chùa): Cổ Loa; đền Quán Thánh, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương có mức thu cũ 2.000-5.000 đồng được điều chỉnh lên 10.000 đồng. Người cao tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi (trừ trường hợp được miễn nộp phí) áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí đối với người lớn. Chưa tăng phí trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy trên địa bàn thành phố. Hải Linh (TH)