Theo đó, với mục tiêu duy trì và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2016, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng bộ Thành phố luôn được Thành ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt được kết quả quan trọng, góp phần kiềm chế, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
9 tháng đầu năm, các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã đã tăng cường rà soát các chế độ, định mức, tiêu chuẩn thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; ban hành mới 89 văn bản, thực hiện 155 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời tổ chức 54 lớp, hội nghị để tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng với khoảng trên 10.700 lượt người tham gia. Có 315 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch trong hoạt động.
Công an Thành phố đã thụ lý điều tra 21 vụ, 64 bị can các tội phạm về tham nhũng (trong đó kỳ trước chuyển sang 12 vụ, 38 bị can; khởi tố trong kỳ 9 vụ, 26 bị can); kết luận điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố 6 vụ, 14 bị can; đình chỉ điều tra 1 vụ, 1 bị can; đang điều tra 14 vụ, 49 bị can. Tài sản thiệt hại gồm 3.485m2 đất và 600 triệu đồng.
KVSND hai cấp của Thành phố đã thụ lý 12 vụ, 33 bị can; đã giải quyết 10 vụ, 31 bị can, trong đó truy tố, chuyển Toà án 9 vụ, 30 bị can; đình chỉ 1 vụ, 1 bị can; đang giải quyết 2 vụ, 2 bị can.
TAND hai cấp của Thành phố đã xét xử 11 vụ, 64 bị cáo các tội phạm về tham nhũng.
Theo đánh giá chung, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn đã có chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Các cấp, các ngành tăng cường thực hiện công khai, minh bạch; tập trung thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Thành phố đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức. Chương trình số 07 về "Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020" đã được Thành uỷ Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành cùng với các chương trình công tác khác của Thành uỷ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trong 9 tháng qua, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng do Trung ương ủy quyền cho Hà Nội đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án xét xử bị cáo Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan còn hình thức. Việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế, chưa kịp thời. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử chưa nhiều. Việc thu hồi, phong toả tài sản do tham nhũng chưa thực sự hiệu quả.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Toàn cho biết, thu hồi tài sản từ những vụ việc tham nhũng là vấn đề khó, cam go không chỉ của Hà Nội mà trên toàn quốc. Hà Nội thu hồi bình quân dao động từ 18 - 27% tài sản tham nhũng. Về nguyên nhân dẫn đến việc chưa phát hiện được tham nhũng thông qua tự kiểm tra nội bộ, ông Toàn chỉ ra 4 nguyên nhân là: Sự đấu tranh phê bình và tự phê bình ở một số nơi chưa thực hiện quyết liệt, làm đến nơi đến chốn; chưa tập trung dân chủ trong kiểm điểm cán bộ đảng viên tại các kỳ cuộc đánh giá cuối năm, dịp kiểm điểm theo chỉ đạo của TƯ; việc giám sát chưa chặt chẽ và chưa tạo dựng được quyết tâm nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, đảng viên để mạnh dạn đấu tranh.
Bài và ảnh: An Hà