Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh minh hoạ
Hà Nội hiện có hơn 28.000 F0 điều trị tại nhà, 10.000 người trong số này đủ điều kiện phát thuốc Molnupiravir. Các chuyên gia khẳng định không phải F0 điều trị tại nhà nào cũng cần dùng thuốc này.
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn về tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các cơ sở hành nghề Y, dược tư nhân, trong đó tập trung liên quan việc bán thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir...
Công văn này nhằm thực hiện chỉ đạo ngày 6/1 của Bộ Y tế tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 sau khi có thông tin có quầy thuốc ở Hà Nội kinh doanh Molnupiravir dù ở Việt Nam, tới hôm nay thuốc này vẫn đang trong chương trình sử dụng có kiểm soát, F0 được phát miễn phí.
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir...) tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện TP có hơn 39.500 F0 đang điều trị, trong đó có hơn 28.000 F0 theo dõi, điều trị tại nhà. Các F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội được phát túi thuốc bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân.
Theo đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Sở Y tế Hà Nội được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các trung tâm y tế quận/huyện/thị xã 11.700 túi thuốc A.
Đối với gói B bao gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông, dùng khi có chỉ định của nhân viên y tế. Các đơn vị chủ động cấp phát gói thuốc này cho bệnh nhân.
Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir. Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc.
Theo phân tầng điều trị mới nhất vừa được Sở Y tế ban hành ngày 6/1, F0 điều trị tại nhà là nhóm những người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường, Sp02 từ 97% trở lên.
Tới ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về cho các đơn vị để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà, trong đó có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện được cấp phát túi thuốc. Số lượng túi thuốc C còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
Túi thuốc C được quản lý chặt chẽ và số lượng có hạn nên tại nhiều quận, huyện, ban đầu thuốc ưu tiên sử dụng cho những F0 cao tuổi, bệnh nền.
Trả lời PV Sức khoẻ & Đời sống chiều 7/1, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết nếu mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng, F0 lại không có bệnh lý nền, đã tiêm đủ vaccine, thì chỉ cần dùng sản phẩm hỗ trợ, nâng cao thể trạng, không nhất thiết phải dùng thuốc kháng virus.
Ông cho biết thêm, nhu cầu F0 tiếp cận với thuốc kháng virus là rất lớn. "Rất nhiều người bệnh gọi điện cho chúng tôi hỏi về việc có nên dùng một số loại thuốc hay không. Có một số thuốc chúng tôi không đọc được chữ ghi trên bao bì, khi tìm hiểu ra thì đó là thuốc kháng virus thông thường mà thôi" - PGS Hải nói thuốc kháng virus cũng có tác dụng phụ, và bệnh nhân chỉ dùng khi có chỉ định. Nếu tự ý dùng có thể sẽ có những tác dụng phụ kéo dài mà không biết, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Võ Thu