Theo đó, tuyến đường Vành đai 3 là trục giao thông huyết mạch của TP Hà Nội, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội cũng như là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô thành phố. Trước yêu cầu cấp bách đó, thành phố quyết tâm xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng (thuộc Vành đai 3) đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long với 2 dự án: (1) Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn đoạn Mai Dịch- Nội Bài; (2) Dự án đầu tư Cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc Vành đai 3. Cả hai Dự án đều được Bộ GTVT và UBND thành phố phê duyệt. Đường Phạm Văn Đồng Vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long) được nâng cấp, mở rộng với vận tốc thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường thay đổi từ 56 đến 93m, bao gồm 4 làn xe cơ giới đường chính, 6 làn xe hỗn hợp và thô sơ, giải phân cách giữa, giải an toàn và vỉa hè 2 bên đường.
Để triển khai Dự án, chủ đầu tư phải tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa 884 hộ dân, 57 cơ quan đơn vị, công trình hạ tầng kỹ thuật như: Di chuyển điện cao thế 110KV, điện trung thế, điện hạ thế; hệ thống thông tin của 18 cơ quan đơn vị, hệ thống nước sạch… chiếm khoảng 65% giá trị tổng mức đầu tư của Dự án. Theo phương án do đơn vị tư vấn lập, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Hà Nội thống nhất (và cũng là nguồn thông tin được báo chí, dư luận xã hội nêu ra trong thời gian qua) thì phương án chuyển dịch, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với 1.315 cây; trong đó giữ nguyên vị trí 142 cây (xà cừ, sấu, phượng, hoa sữa, bằng lăng), dịch chuyển 158 cây (xà cừ, sấu, hoa sữa, bằng lăng), giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây (xà cừ, bàng, cau vua, keo, trứng cá, xoan, bạch đàn, vông gai, nhãn, sung…).
Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Nhu cầu, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới chỉ là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư Dự án đưa ra.
Quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.

Bài và ảnh: An Hà