Ngày 3-11-2017, TAND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2017/QĐ-BPKCTT để kê biên tài sản hữu hình và tài sản vô hình đang tranh chấp giữa Công ty CP phát triển Hà Nam (Cty HNC) và Công ty CP tập đoàn ATA (Cty ATA) do liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP giữa Cty ATA (địa chỉ Lô P, Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) với cổ đông mới tại Cty HNC (địa chỉ Lô D ở KCN Đồng Văn).
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng ký đã được gửi đến cho các đương sự và cơ quan liên quan.
Tiếp đó, ngày 7-11-2017, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hà Nam - ông Bùi Đức Thái ký Quyết định số 25/QĐ-CTHADS, cho thi hành án chủ động đối với Cty HNC.
Theo quyết định, các khoản phải thi hành, là tài sản vô hình và hữu hình. Cụ thể, tài sản vô hình bị kê biên bao gồm: Tài sản vô hình đang tranh chấp là con dấu Công ty, hồ sơ thay đổi và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi từ lần thứ 4 đến lần thứ 9; hồ sơ góp vốn, sổ cổ đông, báo cáo tài chính cùng chứng từ kế toán; hồ sơ pháp lý của dự án, hồ sơ quy hoạch, thiết kế thi công của dự án đã được các cấp phê duyệt; hợp đồng đã ký với khách hàng đầu tư vào dự án; hợp đồng đã ký với các nhà cung ứng, vật tư, dịch vụ, tư vấn luật, tư vấn thiết kế; hợp đồng đã ký với các nhà thi công… từ năm 2004 đến ngày 31-10-2017; hợp đồng các cổ đông đã chuyển nhượng cổ phần; hợp đồng hợp tác đầu tư ký với các đối tác; hợp đồng Công ty đầu tư ra bên ngoài; hợp đồng cầm cố thế chấp, hợp đồng vay tiền của ngân hàng; hợp đồng lao động từ năm 2007 đến đến ngày 31-10-2017; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Đồng Văn II và Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn; Hồ sơ khởi kiện và các bản án mà Tòa án đã tuyên từ năm 2007 đến ngày 31-10-2017…
Tài sản hữu hình đang tranh chấp bị kê biên, bao gồm: Tiền mặt tại quỹ, tiền gửi tại tài khoản của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Maritimebank - Chi nhánh Long Biên, và tiền gửi tài khoàn khác (nếu có); tiền đầu tư ra bên ngoài, đầu tư vào công ty con, đầu tư vào liên doanh liên kết; đất đang tranh chấp còn hiện hữu tại KCN Đồng Văn II; đất đang tranh chấp tại Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn.
Cục THADS tỉnh Hà Nam cũng cấm dịch chuyển quyền về tài sản hữu hình, cấm thay đổi hiện trạng là tài sản hữu hình đang tranh chấp nêu trên. Bên cạnh đó, còn tiến hành phong tỏa tiền mặt cất giữ tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam-Maritimebank - Chi nhánh Long Biên và tiền gửi tài khoàn khác (nếu có); tiền đầu tư ra bên ngoài, đầu tư vào công ty con, đầu tư vào liên doanh liên kết.
Cục THADS tỉnh Hà Nam chỉ cho phép Cty HNC được để lại tại quỹ (két) tại văn phòng Công ty số tiền 1 tỷ đồng, để chi cho CBCNV và chi phí văn phòng, hoạt động duy trì các dịch vụ khách hàng đang thuê lại đất tại KCN Đồng Văn II. Trong thời gian đang giải quyết tài sản tranh chấp, nếu trường hợp chi lương và các chi phí văn phòng hết số tiền 1 tỷ đồng trên thì giám đốc Công ty có thể đề nghị, nếu hợp pháp thì được duyệt chi tiếp.
Đồng thời Cục THADS tỉnh Hà Nam yêu cầu Cty HNC tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động liên quan đến đấu thầu tại dự án KCN Đồng Văn II và Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) đang tranh chấp.
Trước đó, như Báo CCB Việt Nam đã có loạt bài về việc ngày 21-4-2007, ông Phạm Văn Ảnh - nguyên là Chủ tịch HĐQT Cty HNC và một số cổ đông Công ty này (bên A) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang sở hữu cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam (VID) và ông Trần Anh Tuấn (bên B) với giá 104.867.500.000 đồng. Việc các cổ đông cũ bán hết cổ phần khiến cho Cty HNC hình thành những pháp nhân mới trong Công ty.
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0603000048 của Cty HNC do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Nam cấp đổi lần thứ 5, ngày 15-12-2007, cổ đông mới của Công ty này bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Như Hùng - Giám đốc công ty.
Đáng chú ý, trong Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa cổ đông cũ của Cty HNC với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam và cá nhân ông Trần Anh Tuấn, tại Điều 7 của Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 giao kèo: Bên mua lại cổ phần sẽ tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của Cty HNC, bao gồm nhưng không giới hạn việc nhận bàn giao dự án, các hợp đồng và các công việc mà bên A (Cty HNC) đã và đang thực hiện; chấp nhận toàn bộ hiện trạng thực tế của dự án mà Cty HNC đã đầu tư và theo các quy định của Hợp đồng này; tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, các quy định về thực hiện dự án và các hợp đồng mà bên A đã ký.
Công ty CP tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (Bên B) còn tự cam kết: Tại Điều 11.2 của hợp đồng quy định trách nhiệm của hợp đồng: Trường hợp (Bên B) không thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng này thì (Bên B) sẽ chịu mất khoản tiền đã đặt cọc và phải chịu phạt một khoản tiền tương đương 8% giá trị cổ phần chuyển nhượng. Ngoài ra, (Bên B) phải bồi thường tất cả những thiệt hại liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần mà (Bên A) chứng minh được…
Dù cam kết là vậy, nhưng sau khi mua lại cổ phần, các cổ đông mới của Cty HNC lại lật lọng, không thực hiện theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01 như đã ký kết, mà còn cử người đại diện công ty khởi kiện ra TAND tỉnh Hà Nam đòi hủy các hợp đồng đã ký với các đối tác trước đây…
Sau khi “đâm đơn” ra Tòa án, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (đại diện là ông Trần Anh Tuấn) và cá nhân ông Trần Anh Tuấn đã bán 98,03% cổ phần tại Cty HNC cho cổ đông mới là Cty CP Bất động sản HANO-VID; Cty Thương mại - Quảng cáo - địa ốc Việt Hân và bà Bùi Thị Bích Thảo (địa chỉ 124, ngõ Hàng Cỏ, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Qua xem xét hồ sơ, tài liệu và chứng cứ của vụ án, cũng như xem xét Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của người yêu cầu là Cty ATA do ông Phạm Văn Ảnh - Chủ tịch HĐQT làm đại diện (ông Ảnh nguyên là cổ đông sáng lập của Cty HNC có 98,03% cổ phần đã bán cho Công ty CP tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam và ông Trần Anh Tuấn), TAND tỉnh Hà Nam nhận thấy việc những cổ đông mới mua lại cổ phần của ông Trần Anh Tuấn và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam là bất hợp pháp nên đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để kê biên tài sản và Cục THADS tỉnh Hà Nam ra quyết định thi hành án chủ động đối với Cty HNC như nêu trên.
Doanh Chính