Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2001-2010”, bộ mặt của khu vực này đã có nhiều thay đổi. Đến ĐBSCL những ngày này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những bước phát triển mạnh mẽ về KTXH của vùng đất này.
Kinh tế khu vực ĐBSCL đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng toàn vùng bình quân đạt 11,7 %/năm, cao hơn 1,8 lần so với bình quân cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha trong 10 năm tăng gấp hai lần, xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn/năm, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 56.292 tỷ đồng năm 2001 tăng lên 101.000 tỷ đồng năm 2010 (theo giá so sánh năm 1994). Hiện toàn vùng có hơn 400.000 ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,5 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2001, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước. ĐBSCL là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước; trong đó, cá tra, tôm trở thành một trong những ngành kinh tế chiến lược của vùng và của quốc gia; sản lượng tôm chiếm 80%, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Giá trị sản xuất năm 2010 (giá so sánh năm 1994) đạt 336,924 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2001, tăng bình quân 11,87 %/năm. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng năm 2010 đạt 9,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6,83 tỷ USD (chiếm 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 17,8%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/năm theo giá so sánh tăng 2,5 lần so với năm 2001, bằng 95% thu nhập bình quân đầu người/năm của cả nước… Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được xây dựng hoàn chỉnh, trong 10 năm đã nâng cấp 2.500km đường quốc lộ, hơn 9.000km đường tỉnh lộ, xây dựng mới 11.453 cây cầu lớn nhỏ. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là vùng có đông đồng bào Khơ-me. Bình quân thu nhập năm 2010 so với năm 2011 tăng 6 lần. Công tác quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững.
Cuộc sống người dân ĐBSCL được cải thiện nhiều, đặc biệt là người dân trong khu vực thường xuyên sống chung với lũ. Tại 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã có nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ gắn với phát triển thành đô thị nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho 132.371 hộ dân vùng ngập sâu. Huyện Tháp Mười, huyện vùng sâu của Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) là một ví dụ điển hình. Với diện tích tự nhiên 51.766 ha, dân số 136.725 người (32.958 hộ), nằm trong vùng trũng, nhà cửa tạm bợ nên trong những trận lũ lớn năm 1978, 1994, 1996, 2000, hầu hết nhà ở người dân bị ngập, hư hỏng. Được sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Bắt đầu thực hiện từ năm 2002, đến nay, Tháp Mười đã trở thành địa phương hoàn thành kế hoạch sớm nhất vùng. Giai đoạn I, huyện đã triển khai 22 cụm tuyến, tổng diện tích gần 450.000m2, bố trí 3.521 hộ vào ở; giai đoạn 2 triển khai 5 cụm tuyến với tổng diện tích gần 108.000m2, bố trí 1.013 hộ vào ở; do đó, mùa lũ hàng năm người dân không còn phải di dời khẩn cấp, tránh được những thiệt hại to lớn về người và của cải; nhu cầu ăn ở, đi lại, học hành được đảm bảo; nhiều hộ nghèo, hộ chính sách đã có cuộc sống ổn định...
Lĩnh vực giáo dục, y tế, giải quyết việc làm cũng được cải thiện đáng kể. Trong 10 năm qua, ĐBSCL thành lập mới và mở rộng, nâng cấp hơn 20 trường đại học, cao đẳng. Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông phân bổ rộng khắp các địa bàn dân cư. Toàn vùng đã hoàn thành việc xóa lớp học ca 3. Các tỉnh đông đồng bào dân tộc Khơ-me đều có trường dân tộc nội trú. Hiện nay, ĐBSCL có 336 cơ sở dạy nghề, tăng gấp 3 lần so với năm 2001. Toàn vùng hiện đã cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và liên huyện. Hơn 71% số trạm y tế có bác sĩ phục vụ. ĐBSCL hiện đã có 5,7 bác sĩ/vạn dân, 87% số hộ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh. Bình quân mỗi năm cả khu vực giải quyết việc làm cho 332.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh từ 14,18% (đầu năm 2001) xuống còn 7,32% năm 2010.
Những thành tựu đạt được của các địa phương vùng ĐBSCL trong 10 năm qua là hết sức to lớn, đáng khích lệ; nhưng những công việc cần làm để giữ cho việc phát triển này là bền vững thì còn khá nhiều, cần sự chung tay thực hiện của các cấp, các ngành từ T.Ư đến các địa phương và mỗi người dân, đặc biệt là trong vấn đề giá lúa, giá cá tra trồi sụt thất thường gây thiệt hại cho người dân… để đời sống người dân ngày càng được cải thiện, KTXH ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của cả nước về “miền gạo trắng nước trong, vui niềm vui ấm no cuộc sống”.
*Thành Công *