Có lẽ hiếm có luật nào được cả nước quan tâm như Luật Nhà giáo. Chả thế mà ngay từ mấy năm trước, khi mới có ý tưởng xây dựng Luật Nhà giáo thì đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân.
Điều đó cũng dễ hiểu, vì “Nhà giáo là viên chức đặc biệt”; Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...
Quá trình xây dựng luật đã đến bước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 3 tại phiên họp thứ 38 vừa diễn ra. Tại phiên họp này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Khắc Định phát biểu tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: “Việc gì tốt hơn cho nhà giáo cần phải ủng hộ...”.
Cơ bản đến nay Dự luật Nhà giáo, đúng như ý kiến chung nhất của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phát biểu, sáng ngày 10-7 là “Nhiều kỳ vọng”!
Nhưng đáng tiếc là vẫn còn “sạn”, khi phát sinh ý kiến không đồng tình với quy định miễn học phí cho con em giáo viên. Ý kiến lại của chính các nhà giáo khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật Nhà giáo!
Ý kiến lại có lý đến mức Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu: “Cần làm rõ một số chính sách ưu tiên, điều kiện đảm bảo đối với các đối tượng nhà giáo như chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, chính sách hỗ trợ miễn học phí…”.
Vì sao?
Chỉ có thể lý giải là Dự thảo Luật Nhà giáo vẫn chưa được tham khảo, xin ý kiến kỹ, đầy đủ ngay trong đội ngũ các nhà giáo - trong khi đó lại là khâu quan trọng để “Luật đi vào cuộc sống”. Thiển nghĩ, đây cũng là bài học cho những nhà làm luật nói chung; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng.
Có cơ sở để nói rằng, vẫn chưa vội kỳ vọng về Dự thảo Luật Giáo dục!
Huy Thiêm