Bài toán thiếu điện đang được giải theo kiểu “giật gấu vá vai”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cách làm này không giải quyết được vấn đề. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp cao nhất và giải quyết hệ thống, sẽ không giải quyết được vấn đề thiếu điện.
Từ cuối tháng 5, đến nay tình trạng mất điện diện rộng, cắt điện luân phiên diễn ra tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Ngay từ đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên tục cảnh báo tình trạng thiếu điện của năm 2023. Nguyên nhân được chỉ ra là do tác động của hiện tượng Eli Nino, nắng nóng gay gắt xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện mùa khô năm 2023.
“Để đảm bảo cung ứng điện, đã phải “làm tất cả mọi cách” - ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nói.
EVN đã cùng PVN (Tập đoàn Dầu khí), TKV (Tập đoàn Than và khoáng sản) và các Bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách. Trong đó, EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu, giá hơn 5.000 đồng/Kwh. PVN cấp khí, TKV cấp than cho các nhà máy điện Duyên Hải, Vĩnh Tân… Điện được chuyển từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc… Hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Bắc được vận hành tối ưu. Việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào đều gặp khó khăn vì các nước này cạn nước.
Ai cũng thấu hiểu đời sống hằng ngày sẽ ra sao khi mất điện, việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Nhưng không chỉ như vậy, những thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu không hề nhỏ.
“Việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng…” - ba vị Chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cùng lên tiếng.
Còn các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc cho biết: Doanh nghiệp sản xuất ô tô, điện thoại và linh kiện điện tử đang dùng các máy sấy, lò sấy bảo quản linh kiện. Mỗi lần khởi động các lò sẽ mất từ hai đến ngày thì lò mới ổn định. Vì vậy nếu sử dụng phương án cắt giảm điện luân phiên, các lò sấy phải dừng hoạt động thì rất ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng, khi phải cắt điện, sản xuất bị ngừng dẫn tới sản lượng sụt, theo đó doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm. Nhưng lo nhiều hơn là công nhân giảm việc làm kéo theo thu nhập giảm và một số đơn hàng do không kịp giao theo kế hoạch sẽ phát sinh chi phí bồi thường cho các đối tác…
Kéo theo đó, ở tầm vĩ mô nền kinh tế đang khó lại thêm khó hơn, tăng trưởng bị ảnh hưởng, gia tăng tình trạng giảm việc làm, giảm thu nhập… PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhiều năm nói.
Điều đáng nói, đó là việc miền Bắc sẽ thiếu điện được cảnh báo từ trước đây vài năm nhưng nhiều năm nay không có nguồn điện mới bổ sung. Kinh tế tăng trưởng đi kèm theo đó nhu cầu điện tăng lên nhanh chóng. Nếu tăng trưởng kinh tế lại đạt được mức 6-7% thì tình trạng thiếu điện còn căng thẳng hơn bây giờ.
Câu chuyện thiếu điện lại lật lại vấn đề hệ thống - cơ hội - chậm trễ và tổn hại. “Nếu như trong những năm qua, chúng ta đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là xử lý các dự án điện quốc gia thì có lẽ đã không phải chịu những áp lực về thiếu điện cục bộ gần đây” - TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư phát biểu.
“Nhiều dự án điện đang dở dang, không hoàn thành, thậm chí dậm chân tại chỗ… Như thế cho thấy có hiện tượng không hành động trong hệ thống. Nếu không mổ xẻ để sửa từ vấn đề trong hệ thống thì cũng vẫn thiếu điện và dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt” - TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, người tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, với các cách bổ sung điện cho miền Bắc hiện nay và những lời kêu gọi tiết kiệm điện… chỉ là cách làm “giật gấu vá vai”.
Việc thiếu điện một phần là do tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt. Chậm do thủ tục. Có dự án trình 3 năm chưa được duyệt. Chậm cũng do giá mua điện chưa hợp lý khiến nhà đầu tư chững lại.
Một chuyên gia nữa cũng lo nguy cơ nền kinh tế sẽ lao đao vì thiếu điện là người cũng đã tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ông nói: “Nền kinh tế đang vật vã phục hồi rất khó khăn lại gặp phải vấn đề thiếu điện. Điện thiếu khiến việc đạt mục tiêu tăng trưởng càng khó khăn hơn. Thậm chí, nếu không giải quyết tình trạng này có thể kéo dài trong 3-4 năm tới”. Ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao 5 năm nay không có dự án lớn điện lớn nào trong khi nhu cầu tiêu thụ điện mỗi năm tăng 5-10%?
Rõ ràng, nếu không có sự chỉ đạo thật quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện thiếu điện vẫn rất khó giải quyết. Để khắc phục tình trạng thiếu điện, phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường và phải thực tế để thực hiện, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Với các nhà máy đang dở dang cần phải đẩy nhanh đầu tư; các dự án có chủ đầu tư được phê duyệt rồi thì cần làm chứ không phải còn để bàn. Phải sòng phẳng với nhà đầu tư, minh bạch với người tiêu dùng. Quy định về giá điện cần phải tạo ra động lực để thị trường, các nhà đầu tư thấy đó là cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển, chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển.
Và quan trọng nữa là phải đảm bảo được môi trường kinh doanh dễ tiên liệu để thu hút nhà đầu tư và vừa phải quản trị rủi ro để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phạm Hoài Phi