Những CCB tại lễ thông hầm Thần Vũ.

Vậy là hầm đường bộ núi Thần Vũ đã được hợp long, thông xe kỹ thuật. Đây là dự án thành phần rất quan trọng trên lộ trình của dự án “Cao tốc Bắc - Nam” chạy qua địa bàn tỉnh Nghệ An, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Dù đã cố tìm hiểu, nhưng không có ai trả lời một cách tường minh vì sao ngọn núi này lại có tên núi Thần Vũ. Chỉ nghe các bậc cao niên vùng Nghi Lộc (Nghệ An) thường nói: “Gió Lèn Nưa, mưa Thần Vũ” mà thôi. Núi có độ cao 417m so với mực nước biển, nằm trên địa bàn xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Doanh nhân CCB Phạm Đình Hạnh phát biểu tại buổi lễ thông hầm Thần Vũ

Có mặt trong buổi lễ thông hầm, tôi ngạc nhiên bởi có rất nhiều người mặc quân phục sĩ quan quân đội, ngực áo gắn huy hiêu CCB Việt Nam cùng tham dự. Tìm hiểu mới vỡ lẽ: Dự án hầm đường bộ Thần Vũ này có2 Công ty đều của doanh nghiệp CCB thuộc Hội Doanh nhân CCB tỉnh Nghệ An thi công. Đó là Công ty TNHH Hòa Hiệp, Liên danh đầu tư, trực tiếp thi công và Công ty TNHH Hoa Thường - nhà thầu phụ của công trình.

Ông Phạm Đình Hạnh - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Việt Nam - Chủ tịch hội Doanh nhân CCB Nghệ An và là Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp. Tôi biết ông Hạnh qua các chương trình thiện nguyện, quyên góp để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Trong các chương trình thiện nguyện đó, ông luôn là “Mạnh Thường quân”, nhưng ông rất kiệm lời nói về mình.  

Hầm giao thông Thần Vũ được hợp long, thông xe kỹ thuật.

Cũng chính vì thế mà tại buổi lễ thông hầm Thần Vũ này, tôi cố gắng tiếp cận, nhưng có lẽ do bận, ông hẹn gặp tôi vào dịp khác. Thật bất ngờ “dịp khác” lại chính là nửa đêm sau có mấy giờ thông hầm. Ông gọi tôi đến trụ sở Công ty Hòa Hiệp của ông.

Người bảo vệ đón tôi ở cổng, dẫn tôi lên tầng. Dưới ánh sáng của đêm trăng cuối thu, ông Hạnh - người lính trận mạc một thời năm xưa, nay mái đầu đã điểm bạc, đứng ở ban công, trầm tư nhìn xuống những chiếc xe chuyên dụng nằm dưới bãi. Tôi không dám phá vỡ sự trầm lặng của ông lúc này... Một lúc sau ông quay lại nói với tôi, mà như đang nói với chính ông: “Nhanh quá, mới ngày nào thành lập, vậy mà Hòa Hiệp đã trải qua 30 năm hoạt động...”.

Lý giải cho việc gặp tôi lúc nửa đêm này, ông Hạnh nói: “Tuy hầm Thần Vũ đã hợp long, thông xe kỹ thuật, nhưng còn rất nhiều phần việc phải hoàn thành. Tôi vẫn phải ngày, đêm bám sát hiện trường của công trình để thúc đẩy công việc, bảo đảm tiến độ đã cam kết với Bộ Giao thông - Vận tải”.

Kể về ngày đầu thành lập Công ty Hòa Hiệp - năm 1994, ông bảo: “Lúc đó có 5 anh em CCB thôi, chỉ mong sao kiếm được ra việc mà làm nuôi nhau...”.

Rồi ông cứ độc thoại một mình cho tôi nghe về giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, với muôn bề khó khăn của Công ty Hòa Hiệp phải trải qua. 30 năm là gần nửa đời người... Ông Hạnh cũng đã bước sang tuổi 70... Từ một Công ty chỉ nhận thầu được những công trình nhỏ, giờ đây Hòa Hiệp đã có hơn 700 kỹ sư, công nhân, đủ năng lực, trình độ khẳng định được vị trí, thương hiệu trên cả nước trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi...

Những chiếc xe ô tô đầu tiên chạy thông hầm Thần Vũ.

Khi Dự án đường cao tốc Bắc - Nam được chính thức khởi công, Liên danh Công ty Hòa Hiệp và các công ty khác đã trúng thầu “Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt” dài 49,3km bằng hình thức PPP (hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác vận hành, chuyển giao) với tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Hòa Hiệp là đơn vị thi công đứng đầu liên danh.

Dù thời điểm này, Công ty Hòa Hiệp đã có nhiều kinh nghiệm thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm trên toàn quốc, nhưng khi triển khai thực hiện gói thầu này, Công ty vẫn gặp phải nhiều khó khăn, nhất là tài chính, dù đã được các đối tác cam kết giải ngân... Chính vì chậm trễ trong tiếp cận nguồn vốn, nên công trình đã bị chậm mất 8 tháng so với dự tính ban đầu. Bước vào thi công hầm Thần Vũ thì có hàng trăm vấn đề kỹ thuật ngoài dự tính đã xuất hiện. Bởi núi Thần Vũ có kết cấu địa chất rất phức tạp, đa thành phần, lại chủ yếu là đất mềm - luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất.

Bộ Giao thông vận tải và các ban, ngành tặng thưởng cho các cá nhân, tập thể thi công Hầm Thần Vũ.

Ông cho biết, một trong những sự cố tuy nằm trong dự tính của Hòa Hiệp, là khi đào vào núi Thần Vũ được 350m, thì một khối lượng đất khổng lồ sạt lở ập xuống, lấp kín đường hầm. Sự cố này đã làm xôn xao giới thi công cầu đường. Hòa Hiệp không đầu hàng. Ông Hạnh không chùn bước, ngày đêm có mặt tại công trường bám sát mọi diễn biến của sự cố để cùng với các kỹ sư thi công, tư vấn để tìm giải pháp phù hợp. Sau hơn 15 tháng, hầm Thần Vũ đã hợp long, thông xe kỹ thuật. Và điều quan trọng nhất là con người và các phương tiện, máy móc của Hòa Hiệp vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối trước mọi thách thức kỹ thuật của Thần Vũ.  

Ông Hạnh hào hứng chia sẻ: Có 3 yếu tố chính để thành công công trình thi công hầm Thần Vũ. Đó là kinh nghiệm, áp dụng công nghệ mới của châu Âu và sự chia sẻ, hợp tác của các Công ty CCB khác.

Được biết do chậm trễ trong việc khởi công dự án, nên vật tư, xăng dầu cũng như giá cước vận tải bị trượt giá, đội cao lên rất nhiều so với ban đầu khiến các công ty vận tải khác đều từ chối hợp tác. Nhưng chính lúc đó CCB Nguyễn Hoa Thường - Giám đốc Công ty TNHH Hoa Thường thì lại “nhận lời”. Không đặt lợi nhuận làm mục đích chính, ông Thường sẵn sàng chia sẻ khó khăn và trở thành đơn vị vận tải chính cho công trình hầm Thần Vũ. Hàng chục nghìn tấn vật liệu bao gồm dầm bê tông đúc sẵn, vật tư và máy móc chuyên dụng được Công ty Hoa Thường vận chuyển đúng lộ trình, kịp thời điểm. Qua đó mới thấy tình đồng chí, đồng đội của những người lính đã qua trận mạc mới quý giá biết bao. Đúng là “có khó mới rõ mặt nhau”. “Công ty Hoa Thường lăn xả vào công trình” cùng chia sẻ khó khăn, cùng kề vai sát cánh hợp lực đưa công trình về đích...

Nói đến việc Công ty Hoa Thường đồng hành với Hòa Hiệp, tôi liền nhớ đến bài thơ của Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam - Nguyễn Duy Tường viết tặng các doanh nhân CCB Việt Nam, có đoạn:

“…Lập nghiệp từ tay trắng

Biết đi tắt đón đầu

Biết nối vòng tay lớn

Khó khăn cùng bên nhau…”.

Hôm nay, Hầm Thần Vũ đã được thông xe kỹ thuật, cơ bản hoàn thành. Những khó khăn tại công trình này phần nào tạm kết thúc, nên người CCB, Giám đốc Phạm Đình Hạnh mới có thời gian ngồi chia sẻ, tự hào về những điều mà họ đã làm được, giúp tôi một lần nữa hiểu thêm họ, hiểu thêm những người lính mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận...”.  

Những điều trân quý đó, là “chất lính” gắn kết trong con người họ - những Doanh nhân CCB Việt Nam.

Thế Sơn