Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg và Đại sứ Thụy Điển tại NATO - Axel Wernhoff tại buổi lễ trao đơn xin gia nhập NATO ngày 18-5.

Ngày 18-5, Thụy Điển và Phần Lan chính thức đệ đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai quốc gia Bắc Âu này lập luận cho quyết định của mình là do bối cảnh an ninh đang có nhiều biến động mạnh mẽ của châu Âu. Thế nhưng, việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO chưa chắc đã làm cho an ninh châu Âu hay trên toàn cầu tốt hơn, thậm chí hành động của hai quốc gia này có thể trở thành giọt nước tràn ly khiến an ninh châu Âu thêm bất ổn.

Một trong những lý do khiến Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là do quốc gia này mong muốn gia nhập NATO và các đề xuất về bảo đảm an ninh của Nga bị NATO phớt lờ. Trong khi đó, trong nhiều năm qua, Nga liên tục cảnh báo NATO khi liên tục mở rộng, tên lửa của NATO ngày càng áp sát biên giới của Nga. Chính vì vậy, việc Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO sẽ chẳng khác nào hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến Nga quan ngại hơn về an ninh của mình và không thể “khoanh tay đứng nhìn” an ninh của mình bị đe dọa.

Ở một góc độ khác, chính Thụy Điển và Phần Lan cũng có quan ngại an ninh của mình. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã kích động một phản ứng chưa từng có tiền lệ từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, sự thay đổi của Thụy Điển có lẽ là quyết liệt nhất; từ bỏ học thuyết quốc phòng suốt 200 năm qua, học thuyết giúp quốc gia này duy trì quan điểm trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thụy Điển và Phần Lan có quyền chủ quyền trong việc tìm kiếm các dàn xếp phòng thủ, nhưng lợi ích của tư cách thành viên NATO phải là sự thống nhất và đoàn kết tập thể chứ không nên được sử dụng như một công cụ tấn công. Trong khi NATO là một hiệp ước phòng thủ chung, thì một khi Phần Lan là thành viên NATO, việc NATO triển khai lực lượng hoặc thiết lập các khẩu đội tên lửa quan trọng dọc theo biên giới Nga - Phần Lan sẽ dập tắt triển vọng của hòa bình và hợp tác trong tương lai.

Chiến tranh là điều tất cả các quốc gia đều muốn né tránh. Có nhiều lý do để tin rằng khi xin gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan quan tâm hơn đến yếu tố ngoại giao, với chính sách bao trùm nhấn mạnh rằng “Tấn công vào một thành viên bị xem là một cuộc tấn công vào tất cả liên minh”. Do đó, bất kỳ leo thang quân sự nào trong khu vực cũng đều phải được kiềm chế tới mức tối thiểu để tránh kích động một điểm nóng quân sự có thể khiến người ta liên kết với sự sụp đổ của Bức tường Berlin…

Thượng tá Zhou Bo - Quân Giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc, bình luận: “Sự trở lại của một kịch bản Chiến tranh lạnh mới còn tồi tệ hơn Chiến tranh lạnh cũ…, bởi trong Chiến tranh lạnh, Nga vào thời điểm đó là Liên Xô, đã đề xuất cam kết không phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Khi đó, Liên Xô tự tin về thế áp đảo của lực lượng thông thường và lợi thế của họ ở châu Âu”. Tuy nhiên, Nga ngày nay đã ra những tuyên bố, rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO chắc chắn sẽ chấm dứt hiện trạng phi hạt nhân của vùng Biển Baltic.

Tháng trước, khi Stockholm và Helsinki bày tỏ ý định gia nhập NATO, Ông Dmitry Medvedev - Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, cho rằng: nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ phải tăng cường các lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở biển Baltic. Ông Medvedev hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ thấy đâu là điều hợp lý. Nếu không, họ sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ngay gần nhà.

Gần đây nhất, ngày 16-5, Tổng thống Nga - Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO): “Tuy nhiên việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ hai nước này chắc chắn sẽ kích hoạt phản ứng từ Moscow. Phản ứng đó là gì sẽ phụ thuộc vào mối đe dọa họ tạo ra với chúng tôi”. Còn trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Interfax ngày 16-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Ryabkov gọi quyết định của Phần Lan và Thụy Điển là “Sai lầm gây hậu quả lớn”…

Mũi tên gia nhập NATO đã rời cánh cung của Thụy Điển và Phần Lan. Mũi tên này khó ngắm trúng đích hoà bình khi khiến phản ứng của Nga trở nên gay gắt hơn và tăng cường năng lực răn đe nhiều hơn. NATO lại nhanh chóng làm leo thang căng thẳng ở châu Âu và hạn chế các con đường dẫn đến hòa bình. Hành động của NATO báo hiệu một xung đột chưa có hồi kết.

Thanh Huyền